Một năm giảm giá chưa từng có
Trước kia, nhắc tới tôm hùm, cua Hoàng đế, cá hồi,... nhiều người nghĩ ngay tới đây là những loại hải sản chỉ dành cho giới nhà giàu lắm tiền nhiều của, bởi chúng có mức giá vô cùng đắt đỏ. Với những mặt hàng hải sản nhập khẩu, muốn thưởng thức còn phải đặt trước mới có.
Các loại "hải sản nhà giàu" này cũng chỉ xuất hiện tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng hải sản cao cấp.
Song, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, trong đó có Việt Nam, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến tôm, cua, cá,... đua nhau đại hạ giá, bán la liệt với giá rẻ chưa từng có.
Mở đầu cho cho một năm đại hạ giá của hải sản "nhà giàu" là thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, thị trường xuất khẩu gần như tê liệt làm nhiều mặt hàng hải sản ùn ứ dẫn tới giảm giá mạnh.
Năm nay tôm hùm Việt 3 lần đại hạ giá vì dịch bệnh và thiên tai
Đầu tháng 2 năm nay, tại vùng nuôi thị xã Sông Cầu (Phú Yên), tôm hùm rớt giá xuống còn khoảng 500.000 đồng/kg, thấp hơn 200.000-300.000 đồng/kg so với trước khi dịch bệnh xảy ra.
Khi ấy, tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này - cho biết, trước Tết 2020, tôm hùm có giá tốt, khoảng 1,9 triệu đồng/kg giảm xuống chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg; tôm hùm loại nhỏ giá 900.000 đồng/kg chỉ còn 600.000-650.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Lượng tôm hùm ùn ứ không tiêu thụ được lên tới hàng trăm tấn.
Việc giảm giá mạnh, ùn ứ không xuất khẩu được nên tôm hùm được rao bán la liệt trên "chợ mạng". Không chỉ các cửa hàng, dân công sở cũng tranh thủ buôn tôm hùm bán. Phong trào nhà nhà ăn tôm hùm giải cứu xuất hiện.
Thậm chí, ít lâu sau đó, loại hải sang chảnh vốn chỉ xuất hiện trong siêu thị, nhà hàng, khách sạn nay bán la liệt chợ, còn tràn cả ra bán trên vỉa hè Hà Nội với giá rẻ chưa từng có.
Nhiều người nuôi tôm hùm ở nước ta than thở, năm 2020 là năm đại nạn khi các đợt giảm giá cứ nối tiếp nhau. Hết hai đợt giảm vì dịch Covid-19, người nuôi lại chịu cảnh tôm hùm chết hàng loạt sốc nước ngọt khi lũ bất ngờ tràn về.
Cua hoàng đế giá giảm gần một nửa so với năm 2019
Sau tôm hùm, tới lượt cá hồi Sa Pa (Lào Cai) giá giảm "chạm đáy". Nguyên nhân cũng bởi dịch Covid-19, kéo theo hàng loạt nhà hàng, khách sạn tạm ngừng hoạt động, đặc biệt hoạt động du lịch trên Sapa "đóng băng" khiến đặc sản cá này rớt giá thê thảm.
Người nuôi cá hồi Sa Pa cho biết, thời điểm tháng 4 năm nay giá loại cá "nhà giàu" này giảm khoảng 100.000 đồng/kg xuống còn còn 140.000-150.000 đồng/kg.
Trên mạng xã hội, cá hồi được rao bán la liệt. Đơn cử, cá hồi Sa Pa nguyên con trọng lượng từ 1,5-2,7kg giá dao động từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá hồi cắt khúc (không đầu, đuôi) giá 280.000 đồng/kg, cá hồi phi lê giá 350.000 đồng/kg,...
Trong khi, giá cá hồi nhập khẩu cũng giảm mạnh xuống còn 270.000-450.000 đồng/kg tùy loại. Thậm chí xương, đầu có hồi có thời điểm còn giảm xuống mức 10.000-35.000 đồng/kg/bộ.
Trong năm nay, cũng giống như tôm hùm, cá hồi, cua Hoàng đế Alaska và tôm hùm Alaska là hai loại hải sản cao cấp nhập khẩu có giá giảm ở mức không tưởng. Chủ các cửa hàng cũng thừa nhận, suốt từ đầu năm tới nay, giá hai loại hải sản cao cấp trên càng ngày càng giảm mạnh.
Năm nay, dân Việt được ăn hải sản nhà giàu với giá rẻ chưa từng có
Bởi, trước năm 2020, cua Hoàng đế loại đang bơi thường được bán với giá 1,9-2,3 triệu đồng/kg. Sau đó, giá cứ giảm dần, giảm dần và chưa có dấu hiệu tăng trở lại khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới.
Hiện tại, loại cua "chân dài" đang bơi giá chỉ còn 1,2-1,4 triệu đồng/kg. Còn tôm hùm Alaska hàng nhập về ồ ạt, chất đầy kho, giá giảm xuống mức 700.000-1.000.000 đồng/kg.
Từ đụng chung rồi mua cả mâm về ăn
Hải sản "nhà giàu" đại hạ giá hết đợt này đến đợt khác, dân Việt cũng có một năm được ăn đủ các loại tôm, cua, cá sang chảnh với giá rẻ đến khó tin.
Người dân có thể ra vỉa hè, vào chợ truyền thống mua tôm hùm giá rẻ không còn là chuyện lạ, chuyện hiếm. Thậm chí, còn xuất hiện phong trào "giải cứu tôm hùm".
Như thời điểm tháng 2 năm nay, nhà nhà người người đua nhau giải cứu tôm hùm. Các món chế biến từ loại hải sản này xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Chuyện mua bán loại tôm này trên chợ mạng cũng nhộn nhịp chưa từng có.
Sau đợt giải cứu tôm hùm, người dân thấy cá hồi, cua Hoàng đế có giá rẻ không tưởng lại rủ nhau đụng chung về ăn. Trào lưu này rầm rộ chẳng khác gì ông bà ta ngày xưa tổ chức đụng lợn ngày 30 Tết.
Giá rẻ, nhiều người còn bán hải sản theo mâm chứ không bán theo cân
Giới kinh doanh tiết lộ, từ phong trào đụng lợn nay chuyển sang đụng chung hải sản. Theo đó, cứ 2-3 gia đình rủ nhau đụng chung 1 con cua hay 1 con cá. Các cửa hàng hải sản hỗ trợ giết mổ chia theo phần, hấp miễn phí, tặng kèm đồ chấm...
Thế nên, có những ngày họ bán tới vài trăm con cá hồi cho dân đụng chung, hàng trăm con cua đụng chung. Cũng nhờ phong trào đụng chung này mà lượng hàng bán ra tại cửa hàng hải sản tăng mạnh.
Vào những ngày cuối năm, thay vì bán theo cân, theo con, giới buôn bán hải sản còn bán theo mâm. Mỗi mâm hải sản thường có tôm hùm hoặc tôm hùm kết hợp với cua, ghẹ. Đáng chú ý, giá mỗi mâm hải sản như vậy dao động từ 400.000-700.000 đồng/mâm tùy loại.
Người mua thích thú vì chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng có thể mua được những mâm hải sản đầy ắp về ăn, đãi khách.
Dịp cận Tết Nguyên đán 2021, thay vì chỉ có các món làm từ thịt lợn, thịt gà, cá đơn giản, nhiều gia đình đã lên kế hoạch mua những con cua khổng lồ, những mâm hải sản đầy ú ụ... mở tiệc tất niên, bởi giá của những loại hải sản này đang siêu rẻ.
Theo B. Phương
VietnamNet