Fica
  1. Đời Sống

Mua rau qua mạng, từ thói quen thành xu hướng thời hậu Covid

Thế Hưng
Thế Hưng

Nông sản Việt đã bắt đầu làm quen với “chợ” online là các sàn thương mại điện tử, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài trở thành rào cản tiêu thụ nông sản trong thời gian qua.

Nhiều sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử

Chị Trần Thu Thủy (phố Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, Covid-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của chị cũng như nhiều bà nội trợ khác, từ hình thức đi chợ truyền thống, việc mua hàng trên “chợ trực tuyến” được chị Thủy thực hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, trước đây, kênh trực tuyến không bán nhiều đồ nông sản như rau, củ quả, thịt gia súc, gia cầm... việc mua hàng trực tuyến chỉ chú trọng vào các mặt hàng đồ gia dụng.

“Gần đây, trên nhiều trang bán hàng online đã xuất hiện các sản phẩm đồ ăn tươi, hàng nông sản nên tôi cũng bắt đầu mua sắm đồ nông sản trên “chợ online” nhiều hơn. Việc đi chợ hàng ngày, mua những sản phẩm cho bữa ăn gia đình được tiết kiệm hơn về thời gian cũng như phương tiện di chuyển”, chị Thủy nói và chia sẻ thêm, việc mua rau củ, thực phẩm đã trở thành thói quen, dù dịch bệnh qua đi thì chị vẫn đi chợ online.

Mua sắm online trở thành xu hướng thời hậu Covid (Ảnh: Ictnews)

Thương mại điện tử được đánh giá là một kênh giao dịch quan trọng, là “cứu cánh” cho cộng đồng DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong suốt hơn một năm qua. Mặc dù được coi là cứu cánh, song đối với nhiều DN, thương mại điện tử lại trở thành hướng đi tạo sự phát triển bền vững, bởi đây là kênh có tính chất kết nối rộng lớn, bất chấp khoảng cách về địa lý, thời gian.

Đáng chú ý, trong khi bài toán tiêu thụ nông sản chính là đề tài hóc búa nhất đối với ngành nông nghiệp trong thời gian dài, thì thương mại điện tử cũng chính là một trong những lời giải hữu hiệu cho bài toán này.

Nhiều DN nông sản đã tìm cách tiêu thụ hàng trên các gian hàng trực tuyến và đã nhận được những tín hiệu tích cực. Trên một số sàn thương mại điện tử, hiện nay các bà nội trợ có thể dễ dàng mua tìm mua được các sản phẩm nông sản tươi như rau xanh, thịt bò, gà, trứng gia cầm... mà không cần phải trực tiếp đến các siêu thị, trợ truyền thống để mua sắm. 

Đáng chú ý, trong đợt Covid-19 xuất hiện tại Hải Dương vừa qua, thương mại điện tử đã giúp cho các sản phẩm nông sản ở Hải Dương được tiêu thụ một cách suôn sẻ, cứu nguy cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương khỏi cảnh ùn tắc, vứt bỏ nông sản. 

Đầu tháng 3 vừa qua, hơn 60.000 quả trứng gà sạch của nông dân Hải Dương đã được đưa lên sàn thương mại điện tử tiêu thụ một cách nhanh chóng. Không chỉ trứng gà, nhiều sản phẩm nông sản khác như rau, củ quả của tỉnh Hải Dương cũng đã được đưa lên chợ online, “cứu nguy” cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương khỏi tình thế ế thừa nông sản khi dịch Covid-19 bủa vây. Thời điểm đó, 61 tấn rau củ, 6.200 con gà và hơn 290.000 quả trứng gà của bà con nông dân Hải Dương đã được tiêu thụ nhanh chóng nhờ sàn thương mại điện tử.

Lời giải hữu hiệu cho bài toán tiêu thụ nông sản

Có thể thấy, lợi thế của thương mại điện tử là rất lớn, song thực tế, số DN thuộc nhóm ngành nông sản tìm đến kênh bán hàng này chưa nhiều. Thực trạng tại một sàn thương mại điện tử có tiếng, trên đó có 35.000 cửa hàng bán hàng nhưng chỉ có 10.000 cửa hàng bán hàng thực phẩm, đồ ăn chín, còn hàng nông sản rất là rất hãn hữu.

Nguyên nhân được giới chuyên gia trong ngành nêu ra là bởi, nông sản tươi bị hạn chế trong khâu đóng gói, bảo quản, khả năng giữ độ tươi không lâu, trong khi đó, áp lực về chi phí logistic lớn… khiến cho người nông dân, DN không mặn mà với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Khẳng định đây là lời giải hữu ích cho bài toán tiêu thụ nông sản, hạn chế nguy cơ ế thừa cũng như khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, việc kết nối nông sản của các địa phương với các sàn thương mại điện tử nhằm từng bước thiết lập chuỗi giá trị cho từng sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Sàn thương mại điện tử chính là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi đại dịch Covid -19 vẫn đang hoành hành toàn cầu.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh kết nối nông sản các địa phương với các sàn thương mại điện tử; Hỗ trợ DN đẩy mạnh chuyển đổi số tiêu thụ sản phẩm. Cùng với những hoạt động trên, kênh phân phối trực tuyến nông sản “Gian hàng Việt trực tuyến” đã được Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với các sàn TMĐT triển khai, từ đó góp phần giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.

Thế Hưng