Đó là tình cảnh cô Chín chưa từng gặp sau 5 năm theo người quen từ Nghệ An vào TPHCM giúp việc nhà.
Thay đổi nhiều chỗ làm trong năm, đây là năm đầu tiên đi giúp việc mà bà Phạm Thị Chín không có lương tháng 13, còn phải tự mua vé tàu về quê
Giữa tháng 6, chủ nhà cô thông báo, do tài chính khó khăn vì dịch bệnh, bé nhỏ lại gửi đi học. Nhà chủ đành phải ngưng thuê cô Chín sau 2 năm gắn bó. Khi đó, nhà hàng xóm bên cạnh đang cần tạm người làm vài tháng trong lúc bà nội về quê, cô Chín sang làm.
Nhưng họ chỉ cần vài tháng nên mới đây, đầu tháng 11, cô lại chuyển sang chủ thứ 3 trong năm.
Hai chủ cũ đã thanh toán lương xong xuôi, không còn trách nhiệm. Còn chủ mới giờ đến hết năm, cô chỉ làm mới cho họ 3 tháng, chẳng ai thưởng hay chăm sóc gì.
Lương cô Chín là 6 triệu/tháng. Mọi năm, ở cố định, cô có tháng lương 13, có thêm khoản lì xì, quà Tết từ chủ nhà và tiền vé máy bay về quê.
"Còn năm nay, xáo trộn chỗ làm, tôi mất trắng tiền thưởng, lì xì. Mới đây, tôi phải mượn tạm chị bạn cũng đi giúp việc trong chung cư 2 triệu để mua vé tàu về quê", cô Chín thở dài buồn bã cho một năm thất thu.
Cô cũng cho biết, khó tìm nhà để ở ổn định nên có thể năm sau cô không vào Sài Gòn đi làm tiếp, mà chuyển hướng kiếm việc ở Hà Nội để gần nhà, tiện đi lại hơn.
Mất việc ổn định, bà Nguyễn Thị. P đang phải làm công việc giúp việc theo giờ
Chung hoàn cảnh, 10 năm đi giúp việc, năm nay phải nói là năm liêu xiêu nhất của bà Nguyễn Thị P., quê ở Hà Tĩnh, giúp việc tại một chung cư ở Bình Thạnh, TPHCM. Bà bị giảm cả lương, không có lương tháng 13, mất thưởng, quà cáp, tàu xe tự lo.
Bà P. kể, mấy năm nay, bà theo một gia đình rất ổn định. Ngoài việc nhà, chăm con nhỏ, gia đình này có công ty nhỏ cạnh nhà nên nhờ bà mỗi sáng, ra dọn vệ sinh, lương hàng tháng của bà đã là 8 triệu đồng.
Bà không ở lại, chỉ làm ngày do ở nhà người quen. Chiều tối về, bà còn phụ việc cho một nhà khác. Thu nhập mỗi tháng của bà là 11 triệu đồng, bà gửi tiền về về nuôi con cháu ở quê.
Vậy nhưng, dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Giữa năm, chủ nhà "dẹp" công ty, vợ chồng đưa nhau về quê ở Gia Lai sống, bà mất việc.
Bà kiếm việc mới nhưng chưa ổn định, đang làm công việc tạm thời, làm thêm giờ, thu nhập bấp bênh. Nhất là đã cuối năm, nhiều gia đình cũng không muốn tuyển người ở cố định vào lúc này vì ngại chuyện lương, thưởng, chi phí cuối năm.
Bà P. tâm tư: "Năm ngoái, tôi, được thưởng Tết 10 triệu đồng, tiền vé máy bay hai chiều, chưa kể quần áo, quà cáp. Nghĩ Tết năm nay, tôi rầu lòng quá".
Theo bà P., nhiều năm qua, giúp việc nhà cũng là công việc có giá ở thành phố. Người nào thật thà, chăm chỉ gặp chỗ ổn định, gắn bó thì chủ nhà họ chăm sóc, đãi ngộ rất tốt để giữ người.
Nhưng đây cũng là công việc dễ bị xáo trộn, thay đổi nên nhiều người có thể làm cả năm nhưng đến Tết không có đồng tiền thưởng nào.
Nhất là khi năm nay khó khăn, nhiều gia đình tìm cách tự xoay, thay vì tiếp tục thuê người. Hay cũng không phải không có chủ không có tâm, lấy cớ cho giúp việc nghỉ vào thời điểm cuối năm để tránh chuyện lương thưởng.
Giúp việc là công việc có nhu cầu rất cao nhưng cũng khó ổn định
"Hầu hết, công việc này không có hợp đồng ràng buộc gì hết, chủ yếu hai bên thỏa thuận miệng.
Giúp việc không thích thì nghỉ, còn chủ nhà cũng có thể cho mình nghỉ bất cứ lúc nào mà mình chẳng thể làm được gì", bà Trần Ngọc Dinh, có nhiều năm kinh nghiệm giúp việc bộc bạch.
Và năm nay, theo bà Dinh, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình bị áp lực tài chính nên nhiều người giúp việc cũng có nguy cơ bị... mất Tết.
Hoài Nam