Cần 1,1 triệu USD để nghỉ hưu
Tại một sự kiện giáo dục, Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của game nổi danh Flappy Bird, chia sẻ: “Ngày xưa hồi còn là sinh viên thì tôi tính tôi cần 1,1 triệu đô để nghỉ hưu. Sau đó thì thực sự là tôi có nhiều lần số ấy nhưng tôi vẫn chưa nghỉ hưu được, nên cũng không biết là có thành sự thật hay không”.
Giữa thời điểm hoàng kim về tên tuổi cũng như tiền bạc mà tựa game mang lại, Nguyễn Hà Đông bất ngờ gỡ Flappy Bird. Thế giới "phát điên" với cách làm đi ngược lại số đông của của chàng trai 28 tuổi, còn Đông lý giải điều này là quyết định do cá tính bẩm sinh. "Bẩm sinh thì tôi không chịu được áp lực, tất cả mọi áp lực đều không chịu được. Nên tốt nhất là... gỡ".
Sau khi quay trở lại cuộc sống giản đơn từng một thời khiến cho anh cảm thấy "bị hủy hoại bởi thành công của Flappy Bird", Nguyễn Hà Đông tiếp tục cho ra nhiều game di động khác, nhưng chưa có gì lặp lại thành công từng có. Điều này khiến không ít người tiếc nuối, và cũng khiến họ đặt ra kỳ vọng Đông sẽ tạo ra điều gì đó tương tự ngay trong thập kỷ này.
CEO Google "trà chanh chém gió" vỉa hè với Nguyễn Hà Đông
Đáp lại câu hỏi của một vị phó giáo sư, Nguyễn Hà Đông thẳng thắn cho rằng, xác suất để tạo ra một thứ tương tự như Flappy Bird là 0,1%. "Nhưng tôi không nói trước được, nói trước thì khó vượt qua lắm. Cảm ơn anh đã quan tâm!".
Chia sẻ về khởi nghiệp, Hùng Trần, Founder Got It cho hay, việc cạnh tranh ở Silicon Valley rất khốc liệt. Nhà đầu tư thường cam kết một khoản cho statup nhưng giải ngân theo giai đoạn. "Nếu đạt được tiêu chí đặt ra thì họ mới cung cấp tiền tiếp, nếu không thì lúc ấy vừa hết tiền cũ, vừa không có tiền mới là mình trắng tay hoàn toàn", Hùng nói.
Và nếu phá sản, theo Hùng, chủ doanh nghiệp buộc phải rời đi khỏi Mỹ trong 30 ngày. Do không biết công ty sẽ như thế nào, bản thân có xin được công việc mới trong 1 tháng nếu công ty phá sản hay không, nên trong balo của Hùng luôn có sẵn 1.000 USD, phòng trường hợp xấu nhất là vẫn còn tiền để về Việt Nam...
Với Hùng không phải là một chặng đường toàn màu hồng, dễ đi mà là cả một quá trình học hỏi và thử sức. Chính vì thế, anh nói với các bạn sinh viên rằng phải luôn tìm kiếm các cơ hội mới, phải mở rộng suy nghĩ, biến mình thành công dân toàn cầu để có thể làm việc ở bất cứ môi trường nào, với ai. "Những thứ đó sẽ khiến mình tạo ra được cơ hội xây dựng công ty", anh nhấn mạnh.
Câu chuyện không chỉ có tiền
Nói về khó khăn lớn nhất của một startup công nghệ, CEO GoStream Nghiêm Tiến Viễn khẳng định không phải là vốn mà chính là nguồn nhân lực. "Khởi nghiệp ở quê cũng có những khó khăn riêng. Khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân sự. Nhân sự giỏi thường tập trung ở thành phố lớn, do đó chúng tôi rất khó để tuyển được nhân sự phù hợp.
Đằng sau những thành công khởi nghiệp
Thời gian đầu, cả 3 co-founder đều không có lương, phải tự tìm các công việc khác để kiếm thu nhập, dù vậy chúng tôi vẫn rất lạc quan vào tương lai của GoStream bởi chúng tôi đã nhanh chóng có được những khách hàng đầu tiên, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Từ những phản hồi đó, chúng tôi quay lại cải tiến sản phẩm và liên tục nâng cấp phiên bản mới. Đến nay chúng tôi đã có gần 500.000 user đăng ký và doanh thu liên tục tăng trưởng bình quân 120% mỗi tháng", Tiến Viễn tự hào nói về những thành quả đạt được.
Nguyễn Kiên Cường - CEO và Founder Bold Studio - nhận định: “100 người khởi nghiệp thì chỉ có 3 người khởi nghiệp thành công. Có một điều sâu thẳm nhất, và cũng là nguyên nhân chính đã hạ gục không biết bao nhiêu người, khiến họ phải dừng lại giấc mơ khỏi nghiệp. Một điều rất ít khi được nói ra, nhưng ai cũng phải đối mặt”.
Theo Cường, người khởi nghiệp sẽ phải đơn độc chống lại mọi khó khăn. Con đường thì dài, chông gai thì nhiều, nhưng không có ai bên cạnh. Giá như trong những lúc khó khăn ấy, có một bàn tay nâng ta lên, có một chỗ dựa để ta dựa vào. Ta sẽ lại có thêm niềm tin, có thêm sức mạnh để đi tiếp. Nhưng chỉ có mình ta, không ai hiểu, không ai giúp đỡ, sóng gió thì liên tục ập đến, khiến ta kiệt sức, ta gục ngã, ta từ bỏ.
Theo Bảo Anh
VietnamNet