Trong khu vườn “thượng uyển” độc nhất vô nhị ở Việt Nam, cây bằng lăng cổ thụ của anh Phan Văn Toàn (TP. Việt Trì, Phú Phọ) đang trong thời kỳ ra lá đẹp nhất, lá xanh mướt, bông tán tạo thành hình nấm rất đẹp. Cây bằng lăng này có chiều cao 1,3m, hoành thân 50cm, với độ rộng của tán lên đến gần 2m.
Anh Toàn chia sẻ, đây là cây bằng lăng đẹp nhất Việt Nam, không những mang giá trị nghệ thuật mà mang yếu tố lịch sử bởi cây có nguồn gốc từ cung đình Huế xưa (vua Minh Mạng từng chơi cây này).
Năm 2015, cây bằng lăng được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là một trong những cây tiêu biểu trong vườn cây di sản duy nhất ở Việt Nam. Vào cuối năm 2014, vườn cây của anh Toàn được Hiệp hội các nước ASEAN công nhận là vườn cây xuất sắc nhất Đông Nam Á.
Chủ nhân của tác phẩm cho biết cây bằng lăng mua cách đây hơn 20 năm. Những cây đẹp, nghệ thuật lại có giá trị lịch sử thường rất khó khăn trong việc tìm và mua. Người phải có tiền và có tâm mới sở hữu được.
“Đã có rất nhiều đại gia có tiền đến hỏi mua lại nhưng tôi không bán bởi những cây vua, chúa ngày xưa chơi rất khó tìm và mua. Hai vợ chồng tôi phải vất vả nhiều tháng mới thuyết phục được người chủ ở Bình Định bán lại cho”, anh Toàn nói.
Những người yêu cây cảnh đánh giá đây là một cây cảnh cổ, rất hiếm, hội đủ 3 tiêu chuẩn chung là cổ - kỳ - mỹ.
Phần gốc chỉ cao 50cm, phần ngọn là các cành mọc xung quanh tỏa đều bốn phía, tạo nên hình vòng cung nhìn như cây nấm “siêu to”.
Xung quanh gốc được ký đá nhằm tôn lên vẻ đẹp cổ kính của tác phẩm.
Theo anh Toàn, để làm được cây bằng lăng thân to, ngắn, có dáng như thế này, cây phải được nghệ nhân xưa chăm sóc, uốn nắn từ khi còn nhỏ.
Thân có chỗ rất mịn, có chỗ nổi u cục.
Tay cành được làm rất tỉ mỉ, công phu. Anh cho biết phải trải qua nhiều đời mới tạo được bộ tay cành đẹp như vậy.
Thân không chỉ nổi u cục mà còn mốc thếch.
Bộ rễ lan tỏa xung quanh rất vững chãi.
Tuy anh Toàn không bán cây nhưng nói về giá trị của tác phẩm, anh cho biết cây có giá hơn 2 tỷ đồng.
Theo Hồng Phú
Dân Việt