Đôi khi, các sản phẩm vẫn được đưa ra thị trường dù gặp phải những lỗ hổng kỳ quặc. Cho dù thử nghiệm sản phẩm chuyên sâu đến mức nào, người sử dụng luôn có thể phát hiện ra một tính năng không hoạt động, trục trặc hoặc khiếm khuyết khiến các hãng phải thực hiện việc thu hồi sản phẩm một cách tốn kém.
Vào năm 1998, Sony đã phải thu hồi 700.000 máy quay video cầm tay khi khách hàng phát hiện ra tính năng chụp xuyên quần áo của sản phẩm này. Theo đó, loại máy quay này trang bị công nghệ nhìn xuyên đêm với ống kính sử dụng hồng ngoại để có thể chụp ảnh và quay phim trong bóng tối. Thế nhưng Sony không ngờ được rằng nó lại có một chức năng khác nằm hoàn toàn ngoài dữ liệu của họ.
Sony đã phải thu hồi 700.000 máy quay video cầm tay khi khách hàng phát hiện ra tính năng chụp xuyên quần áo của sản phẩm này (Nguồn: Reuters)
Những người sử dụng sản phẩm này phát hiện ra rằng, nếu ống kính hồng ngoại được sử dụng vào ban ngày, nó có khả năng nhìn xuyên quần áo, đồ nội y và các bộ phận trên cơ thể.
Greg, một phóng viên của Good Morning America, đã cho thấy anh có thể thoải mái nhìn trộm bên trong quần áo của 2 tình nguyện viên: Một người đàn ông có hình xăm dưới áo sơ mi và một người phụ nữ không mặc gì dưới lớp váy có hoa văn màu đen.
Khi biết về sự cố này, Sony đã nhanh chóng thu hồi toàn bộ 700.000 sản phẩm vừa tung ra thị trường và thay đổi chức năng này ở loại máy quay mới. Đây là đợt thu hồi sản phẩm lớn nhất trong lịch sử của công ty.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ gần như bị “tấn công” do hàng loạt cuộc gọi đặt hàng của người tiêu dùng. Tất cả đều muốn sở hữu sản phẩm này trước khi chúng bị thu hồi và thay thế.
Jesse Roggio, nhân viên tại một cửa hàng ở Philadelphia cho biết, “Cứ mỗi nửa tiếng, chúng tôi lại nhận được một cuộc gọi đặt hàng. Doanh số của sản phẩm ‘lỗi’ này đã tăng ít nhất 100% so với thường ngày”.
Tuy vậy, ngay cả khi Sony giới thiệu sản phẩm mới, nhiều người dùng tỏ ra nghi ngờ và vẫn tìm được cách khiến nó có thể nhìn xuyên quần áo bằng cách dùng các bộ lọc đặc biệt.
Theo Huy Nguyễn
Reuters/ Dân Việt