Nhiều người bị lừa mất tiền tỷ sau cuộc gọi lạ (ảnh minh họa: Bigstock).
Mất tiền tỷ sau cuộc điện thoại lạ
Ngày 7/5, Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) đã tiếp nhận đơn trình báo của ông Q. (sinh năm 1943, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an.
Qua điện thoại, người này thông báo đang điều tra về vụ án ma túy liên quan đến ông Q. và yêu cầu ông chuyển tiền cho anh ta để xác minh. Sau khi chuyển 2,6 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng, ông Q. mới "ngã ngửa" biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Tháng 9 năm ngoái, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng cho biết, một người phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm đã bị lừa 13 tỷ đồng sau khi nhận cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên cơ quan tư pháp.
Người này thông báo đang điều tra về vụ án lớn, liên quan đến nhiều người, trong đó có chị. Quá sợ hãi, chị đã răm rắp làm theo các yêu cầu của đối tượng như lập tài khoản ngân hàng mới, chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 13 tỷ đồng sang tài khoản mới để cơ quan chức năng "bảo vệ tài sản" cho gia đình chị. Sau đó, đối tượng yêu cầu chị cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên.
Tin lời, chị làm theo yêu cầu của chúng mà không chút do dự, nghi ngờ. Sau khi chuyển mã OTP tài khoản, chỉ trong ít phút, số tiền 13 tỷ đồng trong 2 tài khoản mới đã bị rút hết. Lúc này, chị mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Tương tự, một người phụ nữ tên H. ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng bị lừa mất 7 tỷ đồng sau khi nhận được cuộc gọi từ số thuê bao lạ.
Theo đó, tháng 4 năm ngoái, bà H. nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên bưu chính. Người này thông báo bà đang sử dụng một tài khoản ngân hàng và đang nợ 36 triệu đồng, yêu cầu sau 2 tiếng bà phải có mặt để giải quyết. Khi bà khẳng định không có tài khoản trên thì cuộc gọi được chuyển đến hai người đàn ông tự xưng là cán bộ điều tra tội phạm của Công an TPHCM đang điều tra tội phạm ma túy và rửa tiền tại ngân hàng.
Các đối tượng này thông báo tài khoản ngân hàng của bà H. có liên quan đến đường dây tội phạm, đã nhận nhiều tiền hối lộ từ các đối tượng phạm tội, đe dọa và yêu cầu bà H. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền hiện có để phục vụ điều tra.
Do hoảng sợ và tin là thật, bà H. đã cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân và các khoản tiền tiết kiệm hiện có. Sau đó, nghe theo hướng dẫn của các đối tượng, bà đã mở một tài khoản mới và rút toàn bộ số tiền tiết kiệm chuyển sang tài khoản vừa mở, sau đó gửi cho toàn bộ thông tin về tài khoản vừa mở cho các đối tượng trên. Khi chuyển tiền xong, bà H. được thông báo toàn bộ số tiền đó để phục vụ điều tra, xong việc sẽ trả lại.
Cuối tháng 8/2020, những đối tượng trên lại tiếp tục điện thoại, đe dọa và yêu cầu bà H. phải nộp thêm một số tiền để kết thúc vụ việc. Nhóm này đe dọa không được tiết lộ cho ai khác biết, nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Hoảng sợ vì những lời đe dọa, bà H. đã đi vay tiền người thân rồi mang đến ngân hàng nộp vào tài khoản đã mở trước đó. Đến khi kể cho người thân biết, bà mới nhận thấy toàn bộ 7 tỷ đồng trong tài khoản đã bị rút hết.
Giải mã chiêu lừa khiến nhiều người sập bẫy
Đây là những chiêu lừa không hề mới và đã được Bộ Công an cũng như báo, đài thường xuyên cảnh báo song không hiểu vì sao nhiều người vẫn sập bẫy.
Theo tổng hợp từ Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 776 vụ lừa đảo với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các thủ đoạn trên là giả danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện…
Tuy nhiên, tại sao nhiều người vẫn sập bẫy? Liệu những nạn nhân này có làm ăn mờ ám hay có hành vi phạm tội gì mà lại sợ? Theo báo Công an Nhân dân, các điều tra viên của Công an TPHCM đều khẳng định là "không".
Qua các vụ án được khám phá cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường chọn những "con mồi" yếu bóng vía để dọa dẫm. Những nạn nhân này hầu hết là những người thiếu hiểu biết về pháp luật, ít xem thông tin báo chí, người cao tuổi và làm nghề tự do.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn đánh vào lòng tham của nạn nhân. Trong đó, chiêu lừa phổ biến là giả danh nhân viên bưu điện thông báo về bưu phẩm lâu ngày không đến nhận. Mặc dù "nhân viên bưu điện" không cung cấp danh tính người gửi nhưng nhiều nạn nhân nghe có quà thì nổi lòng tham, nhất là món quà có giá trị được gửi từ nước ngoài về.
Một thủ đoạn khác là đối tượng tạo mối quen biết với nạn nhân qua mạng xã hội và ngỏ ý tặng quà có giá trị cao. Sau đó chúng giả làm nhân viên bưu điện thông báo có bưu phẩm gửi từ nước ngoài và muốn nhận thì đóng lệ phí làm thủ tục…
Ngoài ra, một thủ đoạn mới tinh vi hơn là sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Theo đó, các đối tượng sẽ sử dụng giao thức kết nối Internet (VoIP) để giả các số điện thoại của cơ quan công an gọi cho nạn nhân; lập trang web giả mạo trang thông tin điện tử của Bộ Công an để gửi lệnh bắt cho nạn nhân; yêu cầu nạn nhân cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại của họ để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và nhiều thông tin khác sau đó chiếm đoạt tiền có trong tài khoản.
Nhật Linh (tổng hợp)