Ông Nguyễn Văn Khuyên (một nông dân ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hiện nhiều nông dân ở địa phương không bán lúa ST24 cho "cò" và thương lái vì giá lúa chỉ còn 6.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với nửa tháng trước.
Bán với giá này, người dân sẽ không thu nhiều lãi, nên nhiều người đưa lúa về nhà phơi để trữ lại, chờ giá cao mới bán.
Theo ông Khuyên, ở nơi nào đường sá thuận tiện thì thương lái mua lúa ST24 giá 6.200 đồng/kg, còn ở những nơi khó vào thì bị ép giá còn 6.000 đồng/kg hoặc không mua nên nông dân vô cùng lo lắng.
Lúa ở nhiều nơi trên địa bàn Sóc Trăng gặt xong chất ngoài đồng chưa thể bán vì giá thấp.
Ông Trần Văn Thanh - một nông dân ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng - cho hay, nhiều nông dân chưa thể thu hoạch lúa vì không có máy gặt, chưa có thương lái đến mua. Ở những người này, muốn gặt lúa, mua lúa phải thông qua "cò".
Người dân địa phương cho biết, "cò" là những người thu gom, phân phối lúa được hình thành theo quy luật thị trường, nhưng hiện nay có không ít người lợi dụng việc này để ép giá nhà nông, khống chế thương lái để trục lợi.
"Mình muốn gặt lúa, kêu máy gặt nhưng họ nói họ chưa được "cò" cho xuống gặt nên không thể được, muốn thì chủ nhà phải gọi điện cho "cò" để được giải quyết. Thực tế, người mua lúa cũng là "cò". Họ mua lúa của mình rồi bán lại cho người khác, ăn cả hai đầu, vừa ngã giá với nông dân vừa ra giá với thương lái, rồi ăn thêm hoa hồng của thương lái, ăn thêm tiền của các chủ máy gặt nữa" - một người dân ở Sóc Trăng tiết lộ.
Ông Trương Văn Tia - một nông dân ngụ phường 2, thị xã Ngã Năm - là một trong những người cho rằng mình đã bị "cò" ép giá nói hai tuần trước ông nhận tiền cọc và được người mua chốt giá 7.000 đồng/kg lúa ST24. Nhưng đến ngày thu hoạch như cam kết vẫn không thấy máy gặt đến. Đến khi có máy vào gặt thì người mua "xin bớt 300 đồng mỗi kg". Sau một hồi cò kè, cuối cùng ông phải chấp nhận giảm 200 đồng/kg so với giá thỏa thuận ban đầu.
Nhiều nông dân ở Sóc Trăng cho rằng, hiện nay có tình trạng "cò" thao túng ép giá lúa nên họ rất lo lắng.
Một nông dân khác ở thị xã Ngã Năm cho biết, vụ lúa này ông cũng bị ép giá. Trước khi gặt, chốt với "cò" giá 7.000 đồng/kg, nhưng đến ngày thu hoạch không thấy máy cắt đến. Khi lúa chín rục thì họ cho máy đến cắt rồi nói giá lúa giảm, xin giảm xuống 6.800 đồng, nếu không bán thì họ chấp nhận mất tiền cọc, không mua nữa.
Cuối cùng, nhà nông này phải nghe theo "cò" vì không bán cho người đó cũng không thể bán được cho ai, nếu có bán thì phải bán rẻ hơn bởi người mua sau cũng là dân "cò" với nhau đến để ép giá.
"Nông dân làm ra hạt lúa rất vất vả lại bị thêm nạn ép giá của giới "cò". Họ chờ lúa chín rồi bắt đầu giở bài. Ban đầu thỏa thuận giá cả đâu vào đó. Đến khi có máy gặt xuống cắt là họ năn nỉ giảm giá vì lý do này nọ. Nếu không giảm thì nhà nông ôm vì lúa đã gặt xong, không bán không được. Vậy là chịu thua "cò" thôi" -một nông dân bức xúc.
Điều đáng nói, có những năm giá lúa tăng nhưng "cò" nói giá đã thỏa thuận ban đầu nên không tăng, có năm giá giảm thì họ lại yêu cầu giảm theo. Đường nào nhà nông cũng thiệt thòi, chỉ có giới "cò" là ăn trọn vừa của nông dân vừa của thương lái.
Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho biết, năm nay nông dân ở địa phương trồng rất nhiều diện tích lúa ST, tăng lên 12.000 ha trong tổng số 18.000 ha đất lúa. Cũng vì diện tích tăng chóng mặt như vậy nên bị "cò" ép giá xuống còn khoảng 6.000 đồng/kg.
Theo ông Phong, để tránh bị ép giá, ngành chức năng cần hướng dẫn nông dân thành lập những hợp tác xã có pháp nhân chân chính nhằm liên kết lâu dài với doanh nghiệp, không thể khi thì bán cho doanh nghiệp này, khi lại bán doanh nghiệp khác, làm như vậy chắc chắn sẽ bị ép giá.
Cao Xuân Lương