Fica
  1. Đời Sống

Lợi dụng dịch Covid-19, kẻ xấu lừa người dân TPHCM chuyển tiền đi chợ hộ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Xung quanh câu chuyện đi chợ, siêu thị của người dân vùng giãn cách, đặc biệt tại TPHCM, tuần qua có nhiều câu chuyện...

Bị lừa trong nhóm "đi chợ hộ"

Chị Hạnh (ngụ phường 11, Quận 3, TPHCM) tham gia vào nhóm "Đi chợ giúp dân" của địa phương trên mạng xã hội Zalo để nhờ mua thực phẩm. Một tài khoản Zalo tên Nguyễn Văn Công tự xưng là người đi chợ hộ nhắn tin riêng, yêu cầu chị Hạnh ứng trước 500.000 đồng. Nhưng sau khi nhận được tiền, tài khoản này đã chặn chị Hạnh trên Zalo. Người điều hành nhóm thuộc Hội Phụ nữ phường đã xin lỗi chị Hạnh về sự cố. Sau đó thì việc kiểm duyệt thành viên vào nhóm được tiến hành chặt chẽ hơn.

Không chỉ chị Hạnh, một số người dân khác tại phường 11, Quận 3 cũng bị tài khoản Nguyễn Văn Công lừa chuyển tiền 500.000 đồng/người. Ghi nhận hiện tượng trên, UBND đã kêu gọi người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo qua nhóm Zalo "Đi chợ giúp dân".

Lợi dụng dịch Covid-19, kẻ xấu lừa người dân TPHCM chuyển tiền đi chợ hộ - 1

Nhiều người dân tại TPHCM đã bị tài khoản Nguyễn Văn Công lừa chuyển tiền (Ảnh: Đ.V).

Theo UBND phường 11, nhóm "Đi chợ giúp dân" do Hội Liên hiệp phụ nữ phường lập ra nhằm hỗ trợ người dân mua nhu yếu phẩm. Số điện thoại, số tài khoản của người phụ trách đi chợ hộ được đăng tải cụ thể. Thế nhưng, đối tượng xấu vẫn thực hiện hành vi lừa đảo người dân.

"Công tác quản lý nhóm còn nhiều hạn chế dẫn đến việc một số đối tượng lợi dụng sự thiếu cảnh giác của bà con để lừa đảo. UBND phường đã đề nghị cơ quan công an điều tra, rất mong bà con nâng cao tinh thần cảnh giác" - UBND phường 11 thông tin.

Cũng theo chính quyền địa phương, người dân chỉ liên lạc với các cá nhân mà phường phân công nhiệm vụ để được hỗ trợ. Mỗi hộ dân sẽ được đăng ký đi chợ hộ một lần/tuần.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, tình trạng lừa đảo đi chợ hộ đang xảy ra trên địa bàn thành phố. Sở khuyến cáo người dân nên liên hệ với Tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ và các đoàn thể của phường để đăng ký đi chợ hộ, đảm bảo việc mua sắm diễn ra an toàn.

Khó tìm tài xế dù giá cước cao

Nhận thông báo trên ứng dụng Grab rằng quận Phú Nhuận nằm trong các khu vực vẫn có thể đặt đơn giao hàng, đi chợ hộ nội quận tại TPHCM, sáng 23/8, anh Sơn đặt mua thêm thực phẩm từ một cửa hàng cách nhà 2 km. 

Tuy nhiên, sau một lúc thông báo đã nhận đơn, ứng dụng cuối cùng hủy đơn hàng với lý do "không thể tìm được tài xế cho bạn". Đặt đi đặt lại nhiều lần, đến hơn 15h mới có tài xế nhận đơn hàng và giao đến nhà anh Sơn.

Chưa nhận được thông báo về việc đi chợ hộ của khu phố, chị Nguyên (quận 1) sáng nay cũng mở ứng dụng Grab đặt đơn hàng mua hộ rau củ nhưng bất thành vì không có tài xế nhận đơn dù cước phí giao hàng lên tới gần 50.000 đồng cho đoạn đường chỉ 1,6 km. 

"Đồ ăn còn nên chưa mua thêm được cũng không sao nhưng lại gần hết nước rửa tay, nước rửa chén, từ thứ 7, chủ nhật vừa rồi tôi đã thử đặt hàng nhiều lần nhưng đều bị hủy vì không có tài xế", chị than thở. 

Lợi dụng dịch Covid-19, kẻ xấu lừa người dân TPHCM chuyển tiền đi chợ hộ - 2

Đơn hàng của chị Nguyên có cước phí 46.000 đồng cho quãng đường chỉ 1,6 km nhưng chị vẫn không tìm được tài xế (Ảnh: NVCC).

Theo thông báo của UBND TPHCM, từ ngày 23/8, shipper tạm dừng hoạt động tại các quận 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Tại những quận, huyện còn lại, shipper được hoạt động trong quận, có dấu hiệu nhận diện, không chạy liên quận, huyện.

Tuy nhiên, trong các hội nhóm tài xế công nghệ trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ ngần ngại hoạt động trong ngày đầu TPHCM siết chặt giãn cách, lo lắng việc liệu có cần giấy đi đường để qua chốt hay không, hoặc ngại phải di chuyển quãng đường dài vì nhiều đường, hẻm đã bị rào chắn.

Chốt đơn siêu tốc: 1.000 tấn rau quả/ngày

Thông tin từ Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết, số lượng khách tại TPHCM đặt mua combo qua sàn giao dịch nông sản của đơn vị này đang tăng kỷ lục, có ngày đạt doanh số 1 tỷ đồng với đơn hàng đặt trên sàn giao dịch của đơn vị thuộc Bộ. Nhờ đó, chương trình nông sản combo 10 kg/túi giá 100.000 đồng ở TPHCM đã chốt xong đơn hàng, với khối lượng gần 1.000 tấn rau, củ, quả và thực phẩm các loại.

Trong báo cáo của Tổ Công tác 970 (Bộ NN-PTNT) về chuẩn bị các phương án cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TPHCM và Bình Dương trong tình hình tăng cường giãn cách xã hội, đơn vị này cho biết, đã triển khai thí điểm chương trình túi an sinh kết hợp 5 loại nông sản tổng trọng lượng 10kg (combo 10 kg/túi) cho một số doanh nghiệp, siêu thị ở TPHCM. 

Túi an sinh này đảm bảo cho nhu cầu 1 hộ gia đình trong 3-5 ngày với các mức giá theo đối tượng khác nhau, dao động trong khoảng 100.000-200.000 đồng/combo tùy loại.

Ngoài ra, combo kết hợp thủy hải sản, thịt các loại và trứng theo yêu cầu của người đặt, có thể giá cao hơn, hàng hóa đáp ứng nhiều hơn. Các túi combo đều do các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các tỉnh ĐBSCL đóng túi theo yêu cầu khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

An Chi (tổng hợp)