Fica
  1. Đời Sống

Loại cây "xóa đói giảm nghèo" có một không hai của người dân Quảng Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Với diện tích hơn 272ha trồng măng cụt ở huyện Tiên Phước, bước đầu đã có hơn 48ha cho quả. Với giá trên dưới 100 nghìn đồng/kg, cây măng cụt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Gia đình ông Ngô Minh Hòa (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) trồng gần 100 cây măng cụt trên diện tích hơn 1ha, trong đó khoảng 40% cây đang cho quả, năm nay sản lượng ước đạt hơn 350kg, giá bán trung bình 80.000 - 100.000 đồng/kg. Đây là một trong những vườn măng cụt được đánh giá có sản lượng khá cao của xã Tiên Mỹ.

Loại cây xóa đói giảm nghèo có một không hai của người dân Quảng Nam - 1

Huyện Tiên Phước có hơn 272ha măng cụt, trong đó có hơn 48ha đang cho trái.

Bà Lê Thị Thanh (thôn 6, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) cũng là một trong những hộ đang trồng măng cụt ở huyện Tiên Phước. Hiện vườn nhà bà cũng đang trồng hơn 70 cây măng cụt có tuổi đời từ 5 đến trên 10 năm.

Hầu hết, các loại cây này đều phát triển xanh tốt. Vụ măng cụt vừa qua, nhà bà có khoảng hơn 10 cây cho trái, trung bình mỗi cây thu 30kg. Với giá bán gần 100.000 đồng/kg, bà Thanh cũng thu được khoảng 30 triệu đồng.

Theo bà Thanh, măng cụt không phải là loại cây mới ở địa phương vì hiện nay ở xã cũng có một số cây có tuổi đời đến hơn 100 năm. Khi những cây này cho trái, bà con trong vùng đưa về ăn rồi lấy hạt trồng.

Bà Thanh chia sẻ: "Trước đây cứ nghĩ cây này có tán rộng, trồng để lấy bóng mát rồi hái quả ăn cho vui vậy thôi chứ không nghĩ đến chuyện trồng để phát triển kinh tế. Sau này, thấy cây phát triển tốt, cho rất nhiều quả và giá trị cao nên nhiều người mới đầu tư mua giống về trồng".

Loại cây xóa đói giảm nghèo có một không hai của người dân Quảng Nam - 2

Cây măng cụt ở huyện Tiên Phước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.

Tại Tiên Phước, vụ vừa qua nhiều cây măng cụt của một số hộ có tuổi đời hàng chục năm, cho sản lượng lên đến hơn 100kg.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hùng (thôn 7, xã Tiên Mỹ) có hơn 10 cây măng cụt với tuổi đời hàng chục năm, mỗi vụ hơn 10 cây măng cụt này cho sản lượng hơn 100kg. Năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá bán măng cụt giảm xuống còn gần 100.000 đồng/kg nên thu nhập cũng giảm.

Ông Hùng cho hay, năm 2019, giá mỗi kg măng cụt lên đến gần 200.000 đồng, chỉ cần 1 cây cũng mang lại nguồn thu đến vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Theo nhiều người trồng măng cụt ở huyện Tiên Phước, cây măng cụt từ lúc trồng đến lúc thu hoạch mất gần 10 năm, nhưng bù lại chi phí chăm bón rất thấp, công cán cũng không tốn kém bao nhiêu.

Đặc biệt, cây măng cụt ở Tiên Phước nghịch vụ với măng cụt ở miền Nam nên rất được giá. Nếu như vào chính vụ, mỗi kg măng cụt ở miền Nam giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng do nghịch vụ nên giá mỗi kg măng cụt ở Tiên Phước cao gấp nhiều lần. Nhiều người còn nhận định, măng cụt ở Tiên Phước ngọt, thơm và ít sâu hơn măng cụt ở vùng khác.

Loại cây xóa đói giảm nghèo có một không hai của người dân Quảng Nam - 3

Trái măng cụt được trồng ở Quảng Nam đẹp, thơm, có giá trị kinh tế cao.

Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ - cho biết, nhận thấy cây măng cụt mang lại thu nhập cao, những năm gần đây nhiều hộ nông dân đầu tư trồng loại cây này. Mỗi năm bình quân mỗi cây măng cụt tạo nguồn thu hơn 1 triệu đồng.

Hiện tổng diện tích măng cụt trên địa bàn xã hơn 45ha. Địa phương đã xây dựng dự án phát triển cây măng cụt giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 đạt diện tích 150ha, trở thành xã trọng điểm phát triển cây măng cụt của huyện.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước - cho hay, toàn huyện có 272,51 ha trồng cây măng cụt, trong đó diện tích cây măng cụt đã bước vào thời kỳ kinh doanh 48,3 ha, năng suất bình quân đạt 26 tạ/ha.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, loại cây này thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương trong huyện; đặc biệt ít bị gãy đổ khi gió bão, tuổi thọ cao, có khả năng sống hơn 100 năm. Năm 2020, sản lượng măng cụt của huyện đạt 200 tấn, doanh thu gần 300 tỷ đồng.

Dự kiến, đến năm 2025 diện tích trồng măng cụt trên toàn huyện sẽ đạt 500ha và năm 2030 là trên 1.000ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đang vận động các HTX cũng như doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ với các hộ dân cũng như đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Về lâu dài, Tiên Phước sẽ quy hoạch các vùng sản xuất măng cụt theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Ngày 12/3, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - đã có văn bản các Sở NN-PTNT, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Hội Nông dân tỉnh; UBND các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc về việc triển khai trồng thí điểm cây măng cụt nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

"Thực tế cho thấy cây măng cụt thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa bàn các huyện vùng trung du. Để có cơ sở đánh giá và nhân rộng việc trồng cây măng cụt trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai trồng thí điểm cây măng cụt ở một số địa phương của tỉnh" - ông Hồ Quang Bửu cho hay.

Công Bính