Fica
  1. Đời Sống

Livestream bán trái cây 20 phút, anh nông dân thu 21 tỷ đồng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo Bloomberg, số lượng nông dân bán hàng qua livestream ở Trung Quốc rất đông đảo và đang tăng nhanh.

Năm 2018, Jin Guowei ngập trong nợ nần và phải bán hoa quả cho khách du lịch trên các đường phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhưng bây giờ, anh là một Brother Pomegranate - một cơn sốt trên mạng xã hội với 7,3 triệu người theo dõi và doanh thu 300 nhân dân tệ (46 triệu USD) trong năm 2020. Anh từng thu được 6 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 21 tỷ đồng) từ bán lựu chỉ trong 20 phút.

Livestream bán trái cây 20 phút, anh nông dân thu 21 tỷ đồng - 1

Lượng nông dân bán hàng qua livestream ở Trung Quốc rất đông đảo và đang tăng nhanh (Ảnh: Bloomberg).

Xu hướng khởi nghiệp ở nông thôn đang ngày càng tăng ở Trung Quốc. Nông dân và những thương buôn nông sản ở các tỉnh xa bán hàng trực tiếp cho các khách hàng ở thành phố thông qua các buổi phát livestream và các video tương tác trực tiếp.

Doanh thu của họ trên mạng xã hội Douyin - một phiên bản song sinh của TikTok thuộc sở hữu của ByteDance - đã tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của công ty.

Tương tự, trang trại của một nông dân khác tên Gou Chengcheng cũng có 2,5 triệu lượt theo dõi trên Douyin. Các video của cô giới thiệu mọi thứ, từ bí ngô mini đến các loại đào rừng do người dân trong làng trồng. Trước đây, cô bán hàng trên WeChat của Tencent với 100 đơn mỗi ngày. Giờ đây, cô nhận tới 50.000 đơn hàng qua mỗi lần phát trực tiếp, kiếm ít nhất 9 triệu nhân dân tệ mỗi tháng.

Guo và Brother Pomegranate là một phần của làn sóng di cư ngược về nông thôn sau nhiều thập kỷ bám trụ ở thành phố. Theo Douyin, 54% những người có ảnh hưởng ở nông thôn trên nền tảng này là những người trẻ trở về từ thành thị.

Sự thay đổi đó ngày càng gia tăng do đại dịch khiến hơn 23 triệu lao động nhập cư phải quay trở lại quê nhà. Khi hệ thống giao thông trên toàn quốc ngưng trệ, các sản phẩm nông nghiệp ùn ứ chất đống trong kho. Trong khi người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn và nấu ăn nhiều hơn. Vì vậy, nhu cầu đối với các mặt hàng tươi sống tăng vọt và thương mại điện tử trên các mạng xã hội đã giúp những người nông dân nhỏ lẻ trở thành doanh nhân với chi phí thấp.

Theo Bloomberg, số lượng nông dân bán hàng qua livestream ở Trung Quốc rất đông đảo và đang tăng nhanh. Hơn 100.000 nông dân đã phát trực tiếp 2,52 triệu phiên livestream trên Taobao Live của Alibaba trong năm tính đến hết tháng 3. Những người sáng tạo nội dung về nông sản trên Douyin cũng có hơn 10.000 người theo dõi, tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2019-2020 so với các năm trước đó.

Để vận chuyển nông sản, nông dân vẫn phải dựa vào hệ thống hậu cần của các công ty thương mại điện tử lớn như JD Logistics hoặc Cainiao của Alibaba, hoặc sử dụng các công ty chuyển phát như SF Express.

Bán hàng trực tiếp cũng khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn, đặc biệt khi khách hàng yêu cầu hoàn tiền do hàng hóa bị hư hỏng. Cạnh tranh ngày càng tăng và chi phí giao hàng lạnh cao cũng khiến lợi nhuận giảm sút. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng tăng và khách hàng "ruột" nhiều hơn đã bù đắp cho những khó khăn đó.

Các chuyên gia thương mại và những người bán hàng trực tiếp cho rằng, bí mật của sự thành công chính là sự pha trộn giữa sự khát khao hướng về thiên nhiên của người dân thành phố cùng các vụ bê bối về an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống và thú vui xem những video mộc mạc độc đáo của người nông dân.

Nhật Linh
Theo Bloomberg