Anh Truyền vẫn miệt mài đi săn ảnh rắn khổng lồ.
Lòng tin của anh Truyền chỉ bắt đầu trỗi dậy khi anh nghe anh Vinh kể về một lần đi rừng gặp được đống phân rắn hổ mây to như đống phân bò. Khi đó, anh Truyền buộc anh Vinh phải dẫn mình vào rừng tìm đống phân ấy nhưng không thể tìm được… vì dấu tích đã bị xóa bỏ.
Cho đến đầu năm 2014, khi anh Ngô Văn Kháng, cán bộ kiểm lâm, tận mắt nhìn thấy con rắn hổ mây khổng lồ, to như cây cột đèn thì anh Truyền mới hoàn toàn tin tưởng có cặp rắn ấy thực sự.
Đối diện “thần rừng” ở khoảng cách 10m
Hôm đó U Minh Hạ đang vào mùa khô, anh Ngô Văn Kháng về trụ sở Vườn quốc gia với gương mặt tái mét, run lập cập. Anh báo với anh Truyền và anh em trong đơn vị mình rằng vừa gặp con rắn hổ mây khổng lồ. Anh Truyền tức tốc bảo phải đưa anh đến ngay địa điểm đó.
Cả nhóm chạy xe máy vào đúng địa điểm anh Kháng chỉ và anh Truyền nhìn thấy rõ rệt vết bò của một cái thân to lớn. Anh nhớ lại: “Tôi đến, xem rất kỹ. Rõ là có dấu bò của một con rắn rất to. Cỏ sậy bị gãy và dạt ra hai bên rõ ràng. Tuy cỏ sậy có tự khép lại nhưng vẫn còn rõ dấu vết ở đó”.
Như để xác tín, anh Kháng cùng anh Truyền dẫn chúng tôi đến đúng địa điểm mà họ vừa kể lại câu chuyện kinh hoàng ấy.
Anh Kháng đứng ngay chỗ con rắn nằm khi đó, kể: “Lúc đó, khoảng 12 giờ trưa, tôi và anh em đang đi tuần bằng xe máy, tôi chạy trước. Tôi cứ lo nhìn hai bên rừng, khi nhìn lại trước mặt thì… muốn chết đứng luôn. Con rắn màu mốc, to như cây cột đèn vậy, đang bò qua lộ. Tôi thắng xe đứng sựng lại, tim đập thình thịch, hồn phách lên mây. Cái đầu của nó trườn qua khoảng giữa lộ. Thiệt không biết tả làm sao cảm giác tôi lúc đó”. Ở trong khoảng cách không đến 10 m, anh Kháng đã chứng kiến nó bò từ từ qua con lộ. Lộ rộng gần 10 m ngang nhưng khi cái đầu nó khuất trong bụi rậm bên kia lộ, cái đuôi vẫn còn ở bên đây lộ. Anh Kháng cam đoan: “Tôi nói không ngoa, thân nó to như cột đèn, dài không dưới 12 m và ước nặng 80, 90 kg trở lên”.
Anh Kháng bảo khi ấy anh có hai cái smartphone để trong túi quần nhưng không còn nhớ gì đến việc chụp ảnh, quay phim lại cảnh tượng đó. Anh chỉ cố gắng giữ sao cho mình không nhúc nhích để rắn không phát hiện. “Hai chân tôi run rẩy, mồ hôi toát ra đầm đìa. Không dám thở mạnh. Cái cạnh đuôi của con rắn to như bắp chân của tôi” - anh Kháng kể.
Chúng tôi tiến hành đo lại con lộ này, đúng là nó rộng gần 10 m ngang. Nếu những lời anh Kháng là không ngoa thì rõ con rắn ấy không dưới 10 m.
Anh Kháng c
hỉ nơi mình từng thấy rắn hổ mây khổng lồ bò qua.
Anh Nguyễn Văn Tuấn áng chừng kích thước thân con rắn hổ mây anh từng nhìn thấy. Ảnh trong bài: TRẦN VŨ
Dời cả chốt trực vì sợ rắn tấn công
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, từ năm 2009 đến nay, có nhiều sự vụ khác liên quan đến cặp rắn khổng lồ kể trên. Năm 2009, một nhóm công nhân chạy xe cần cuốc làm thuê cho các hộ dân vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ đã bắt được một con rắn hổ mây con. Theo anh Châu Quốc Hiệu, chủ cần cuốc của nhóm công nhân này, trong quá trình cuốc đất cho dân, ràu cần cuốc vô tình làm đứt đôi con rắn. Thấy rắn lạ, mọi người báo anh, rồi đi hỏi dân mới biết là rắn hổ mây. Nó dài gần 4 m, nặng gần 5 kg. Do không biết đó là loài rắn quý hiếm nên sau đó nhóm công nhân đã làm thịt nhậu.
Đến năm 2010, anh Nguyễn Văn Tuấn và các cán bộ trực chống cháy ở chốt Cây Gừa (giữa ruột rừng Vườn quốc gia U Minh Hạ) phát hiện một con rắn khổng lồ đang săn đuổi và ăn một con chồn hương trên ngọn cây gừa gần chốt canh. Cả nhóm tá hỏa về báo lãnh đạo vườn thì được động viên là nó đi ngang qua vậy thôi, không phải trú ngụ ở đó. Các anh em tiếp tục làm việc, không ngờ đêm kế tiếp, nó lại xuất hiện, rượt mồi đùng đùng trong đám gừa cổ thụ. Anh Tuấn đã rọi đèn và chính mắt nhìn thấy hai con mắt rắn to như cái ly uống trà, sáng quắc. Anh cũng thấy rõ cái thân thể to như cây cột đèn của nó.
Từ hôm đó, anh và nhóm của mình quyết tâm “ngưng việc” nếu lãnh đạo vườn không chấp nhận di dời chốt anh này đi chỗ khác.
Đến lúc này thì lãnh đạo vườn mới lo lắng thực sự, báo về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Quang Của, khi ấy là chi cục trưởng kiểm lâm Cà Mau mới tiết lộ đích thân ông Của cũng đã từng nhìn thấy con rắn đó hồi mùa chống cháy năm 2009. Nhưng ông nghĩ rằng khi không tấn công rắn thì với tập tính của mình, rắn sẽ không tấn công lại. ông tin tưởng nó không làm nguy hiểm đến tính mạng anh em giữ rừng. Từ đó, vì cái chung anh và một cán bộ đi cùng đã thống nhất im lặng, không xì ra thông tin trên.
Sau đó, chốt canh lửa rừng Cây Gừa đã được di dời đến địa điểm khác, cách cây gừa cổ thụ đến gần 1 km anh em mới an tâm.
Trước đó nữa thì hàng loạt câu chuyện khác được các thợ săn tại địa phương kể tỉ mỉ những lần đối diện với rắn hổ mây khổng lồ. Thợ săn Nguyễn Văn Vinh, Võ Văn Vinh, cùng ở khu vực vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ đều từng nhìn thấy qua gã khổng lồ ấy. Một nhóm kiểm lâm khác, trong một lần trực canh chống cháy mùa khô năm 2008 đã qua ống dòm nhìn thấy một con rắn khổng lồ đang hì hục trên ngọn tràm cổ thụ để săn bầy dơi.
Anh Truyền kết luận: “Tổng hợp tất cả cứ liệu đó cho thấy có con rắn khổng lồ ở đây. Tôi nghĩ là một cặp chứ không phải một con, bởi loài này thường sống theo cặp và thực tế cho thấy đã có người bắt được con của nó. Hơn nữa, cánh rừng này thú rừng đang phục hồi rất mạnh, đủ thức ăn cho gã khổng lồ”.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện rắn hổ mây khổng lồ ở U Minh Hạ, anh Lê Chí Thiện, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, xác nhận: “Tôi cũng nghe anh em kể đã tận mắt nhìn thấy rắn khổng lồ, bằng cây cột đèn. Anh Kháng kể là rõ nhất, giữa ban ngày, 12 giờ trưa, trời nắng. Trước đó anh Của cũng nhìn rõ… Tuy nhiên, khẳng định đó có hay không cặp rắn khổng lồ ấy thì vườn chưa có cơ sở khẳng định. Chờ anh Truyền săn được ảnh mới dám công bố”.