Kèm với bản tin tìm việc này, chị Đậu Khánh Minh, nhà ở Bình Thạnh (TPHCM) cũng kể thêm tình cảnh "ông bác" đang nuôi mẹ già, thường ngày đi xin cơm từ thiện.
"Ông bác" này chạy xe ôm truyền thống, hay đứng chờ khách trước cửa nhà chị Đậu Khánh Minh nhiều năm nay. Công việc này ế ẩm, chủ yếu bác chỉ có mấy mối quen đi chở đi chợ, đi chùa, giờ dịch giã cũng mất luôn mối.
Dòng tin tìm việc cho "bà dì".
"Hôm rồi, tôi gọi bác ra nhờ chở đi có việc mới biết mấy tuần nay, ngày bác không kiếm nổi vài chục ngàn đồng để đổ xăng. Tôi xót quá, về nhà liền đăng tin lên mạng tìm việc cho "ông bác", chị Đậu Khánh Minh nói.
Trên các diễn đàn, các trang việc, kể cả trang cá nhân ngày càng nhiều bản tin tìm việc cho "cô, dì, chú, bác". Đối tượng cần việc có thể là cô giúp việc, chị bán vé số, bác xe ôm đang khó khăn... Người đăng tin nhận mình là con, là cháu.
Biết tin cô giúp việc nhà hàng xóm trong chung cư mới mất việc vì chủ nhà ngưng hợp đồng, chị Phan Thu Hoài (ở Phú Nhuận) không khỏi nặng lòng. Lúc đó, cô không có việc làm, cũng chưa có chỗ ở, còn tính đường phải về quê.
Cần tìm việc cho ông bác, bà dì, chị bạn.. là bản tin tìm việc xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội.
Nghe cô tâm tư, chị liền đăng tin khắp nơi để tìm chủ mới cho "bà dì". Quen biết từ lâu, chị biết tính cô thật thà, chịu khó và làm việc cũng khá chu toàn.
"Chỉ sau vài ngày đã có rất nhiều mối liên hệ, cô vừa nhận công việc mới", chị Phan Thu Hoài vui vẻ cho biết.
Ân tình của "người dưng"
Qua trao hỏi thăm, anh Nguyễn Minh Dũng, ở Q.3, TPHCM, được biết chú lao công làm ở tòa nhà nơi cơ quan thuê cũng sắp mất công việc. Tòa nhà này có nhiều công ty trả mặt bằng, có nơi chuyển qua làm việc online nên cắt giảm lao công. Chú sẽ mất đi nguồn thu nhập 7 triệu đồng/tháng.
Bán vé số là một trong những công việc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Quá xót xa, anh đăng lên mạng tìm việc cho "ông chú nhà mình". Vài hôm sau, chú khoe sắp có việc mới, anh thở phào.
Anh Nguyễn Minh Dũng cho rằng, với nhiều người lao động tự do, lớn tuổi rất khó khăn khi mất việc. Thu nhập thấp, không ổn định, chỉ cần không có nguồn vài ngày là kẹt ngay. Họ lại hạn chế về công nghệ nên cơ hội tiếp cận việc làm cũng rất ít.
Chị Đậu Khánh Minh phấn chấn sau bản tin tìm việc, "ông bác" nhà chị có thêm nhiều đơn giao hàng, chở khách. Chị cũng vừa đăng thêm tin tìm việc cho "bà dì" sống ngay khu trọ gần nhà. Cô này bán vé số nhưng gần đây bán không được, phải kiếm thêm việc.
Theo chị, nhiều người đăng tin tìm việc cho "cô dì chú bác", thật ra không có mối quan hệ họ hàng. Nhưng đó không phải là gian dối mà xuất phát từ sự hiểu biết về nhau, có sự thương cảm là đã đối với nhau như người thân.
Lao động tự do còn nhiều hạn chế trong tiếp cận cơ hội việc làm (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Chị trần tình: "Mục đích muốn tìm việc cho hoàn cảnh khó khăn mà mình biết, người đăng tin cũng không ngại xem họ như họ hàng, phần nào lấy uy tín cá nhân ra để tăng thêm độ tin cậy".
Tuy nhiên, chị Đậu Khánh Minh chỉ kết nối để tìm việc, không xin tiền.
Có những trường hợp người lao động đang trong tình cảnh thất nghiệp, chỉ với vài dòng tìm việc qua internet đã có thể tìm được việc làm, có thêm thu nhập. Nhưng thực tế, với nhiều người lao động, nhất là lao động tự do, lớn tuổi còn xa lạ với việc khai thác internet, mạng xã hội để tìm kiếm việc làm.
Phía sau bản tin tìm việc cho "cô dì chú bác" không chỉ là sự kết nối giữa người cần việc với việc cần người mà còn là những ân tình. Có khi chỉ cần chúng ta để ý, quan tâm một chút đến những hoàn cảnh quanh mình...
Đề xuất hỗ trợ lao động tự do một lần 1,5 triệu đồng/người
Theo đề xuất của Sở LĐ-TB&XH TPHCM gửi UBND thành phố về gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19, nhóm người lao động tự do, không ký kết hợp đồng lao động (như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố hoặc không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, chạy xe ôm, bán vé số...) được hỗ trợ một lần với mức 1,5 triệu đồng/người. Theo thống kê, nhóm này có hơn 230.000 lao động.
Hoài Nam