Tranh thủ thời điểm đơn vị thi công hồ trung tâm Gia Nghĩa (Đắk Nông) xả nước, nhiều người dân đã xuống hồ cào hến. Khung cảnh rộn ràng với tiếng cười nói râm ran, khác lạ so với mùa nước hồ dâng cao.
Nhiều người dân kết bè, đi ra tận lòng hồ để cào hến
Theo người dân địa phương, đã rất lâu hồ trung tâm TP.Gia Nghĩa mới cạn trơ đáy vì đây là hồ chứa lớn, rộng hàng chục hecta.
Chỉ có những năm nào gặp hạn, mực nước hồ xuống thấp thì mới xuất hiện một vài người về đây đánh bắt thủy sản, thế nhưng năm nay số lượng người đổ về có khi lên đến gần 30 chục người, chủ yếu là đi cào hến.
Mỗi người có thể kiếm cả triệu đồng nhờ công việc cào hến ngay hồ trung tâm TP. Gia Nghĩa
Dụng cụ được người dân mang theo là cào sắt, vợt, thau, rổ... Công việc của họ bắt đầu từ sáng sớm cho đến chiều muộn. Một người có thể cào được khoảng 35 - 50kg hến mỗi ngày, với giá bán từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, kiếm về thu khoảng từ 700 - 1000.000 đồng/ngày.
Chị Phạm Thị Tuyền (trú phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa) cho biết, những năm trước hồ trung tâm này rất hiếm có người đến đánh bắt cá, càng hiếm người về cào hến vì nước hồ lúc nào cũng lớn.
Thế nhưng năm nay nước hồ rất cạn, nhiều khu vực trơ đáy và hến xuất hiện rất nhiều. Do vậy, cả tháng nay hai vợ chồng chị tạm ngưng công việc ở nương rẫy để về hồ trung tâm bắt hến bán kiếm tiền.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tới (xã Đắk Nia) đi cào hến gần 1 tháng nay
Cũng theo chị Tuyền mỗi ngày cả 2 người đãi được khoảng 40- 50kg hến, với giá bán 15- 20 ngàn đồng/kg, tính ra kiếm trên 1 triệu đồng mỗi ngày. Với gia đình chị đây là khoản tiền khá lớn không dễ gì kiếm được trong một ngày.
“Mấy ngày trước, nước hồ còn cạn hơn, chỉ cào một buổi sáng là đã đầy một bao 30kg, đến chiều tôi mang ra chợ bán còn chồng thì tiếp tục đi cào. Hến cào đến đâu là có người mua đến đó nên không sợ ế”, chị Tuyền cho hay.
Anh Tới đóng bè rồi ra khu vực nước cao để cào hến
Tương tự, bà Trịnh Thị Hai (trú xã Đắk Nia) cũng bỏ việc đi làm rẫy để đi cào hến. Liên tục gần 1 tháng nay, bà Hai ngâm mình dưới nước từ 10h sáng đến 5h chiều, ngày nhiều nhất cũng cào được 50kg.
“Tranh thủ cuối mùa khô, nước hồ cạn nên tôi cùng con dâu ra đây cào hến. Chưa bao giờ đi cào nhưng chỉ một vài ngày là quen. Tuần trước nước hồ thấp, có ngày hai mẹ con cũng cào được gần 1 tạ hến”, bà Hai cho biết.
Bà Trịnh Thị Hai (trú xã Đắk Nia) cũng bỏ việc đi làm rẫy để đi cào hến
Người phụ nữ 56 tuổi vui vẻ với công việc thời vụ hiện tại
Tuy việc cào hến mang lại thu nhập cao song công việc khá vất vả. Tất cả đều là nông dân, quen với công việc nương rẫy nên dầm mình trong nước thời gian dài ai cũng lạnh, chân tay bị đứt do dẫm phải mảnh sành, nếu không có sức khỏe thì không thể làm được.
“Nghề này đòi hỏi phải có sức dẻo dai, chịu được cái lạnh. Nhiều lúc ngâm mình dưới nước lâu thì bị chuột rút nên lúc nào đi mò hến hai vợ chồng cũng phải đi cùng nhau. Nếu ngày nào chọn vị trí xa bờ, nước sâu thì phải đóng bè chuối, buộc theo thùng xốp để bám vào. Thời gian đầu có gần 30 người đi cào hến nhưng chỉ 1 tuần sau, nhiều người phải bỏ cuộc vì lạnh, vì bị thương trong lúc mò hến”, ông Phạm Xuân Đào (ngụ xã Đắk Nia) cho hay.
Bữa ăn vội sau hàng tiếng đồng hồ ngụp lặn dưới nước của vợ chồng anh Tới
Được biết công việc cào hến chỉ là thời vụ, tận dụng thời điểm nước hồ trung tâm TP. Gia Nghĩa xuống thấp. Tuy nhiên công việc này đã mang lại thu nhập ở mức cao đối với những người đi cào hến.
“Hôm nào trúng chỗ hến nhiều thì cào được được cả tạ hến, bắt lên đem ra chợ là có người đến mua ngay”, một người dân vui vẻ khoe.
Dương Phong