Nông sản xuất khẩu được thị trường thế giới ưa chuộng
Tuy nhiên, khác với những năm trước, dư luận chỉ thấy xã hội hô hào giải cứu mỗi vụ mùa đến, năm nay, không phải là “giải cứu” nữa mà thay vào đó là tin vui về việc những sản phẩm nông sản của chúng ta được thúc đẩy tiêu thụ đến nhiều thị trường, được nhiều thị trường trên thế giới đón nhận.
Đơn cử như trái vải, 50 tấn vải thiều mới đây đã được xuất khẩu đến Nhật Bản một cách “xuôi chèo mát mái”. Tại thị trường Nhật Bản, trái vải thiều của chúng ta được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng. Với một số lượng không nhỏ vải thiều được bày lên kệ siêu thị tại thị trường này, chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã được tiêu thụ hết. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam. Chính vì thế, dù giá đến tay người Nhật không hề thấp, nhưng trái vải thiều vẫn được người dân Nhật tìm mua để thưởng thức và làm quà biếu bạn bè, người thân.
Tiếp theo trái vải được nhà quản lý xúc tiến đẩy mạnh các giao dịch, tìm kiếm đối tác, sản phẩm xoài, mận hậu của bà con nông dân tỉnh Sơn La cũng được đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ từ rất sớm. Theo đó, tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021 được tổ chức hôm 28/5 vừa qua, hai mặt hàng này đã được nhiều nhà phân phối đón nhận lên kế hoạch tiêu thụ sản lượng lớn. Đáng chú ý, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng đã kết nối với các sàn thương mại điện tử để đưa các sản phẩm nông sản này của bà con Sơn La lên bán online.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La các sản phẩm nông sản, cây ăn trái của tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.701,84 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, 130 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 51 mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang Australia, Mỹ…
Nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh Sơn La đã được đăng ký nhãn hiệu, những sản phẩm đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường cả nước gồm: Na Mai Sơn, Xoài tròn Yên Châu, Cà phê Sơn La, Nhãn Sông Mã…
Nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ nông sản online
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành, song với việc tập trung thúc đẩy tiêu thụ trái vải, việc tiêu thụ trái vải ngay từ đầu mùa vụ đã có nhiều khởi đầu thuận lợi. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thươngthời gian qua, Cục đã tập trung triển khai các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực về các phương thức bán hàng và XTTM trên các nền tảng số… Đáng chú ý, Cục XTTM đã hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo... và các sàn TMĐT quốc tế lớn trên thế giới (Amazon, Alibaba…). Trong đó, Cục XTTM đã tiến hành thiết lập các gian hàng trên sàn Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM. Đây là những gian hàng chung, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm tiềm năng từ các địa phương.
Với tỉnh Sơn La, trong mùa vụ này, Cục XTTM hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm mận hậu và xoài lên sàn TMĐT Shopee bắt đầu từ ngày 28/5/2021.
Sàn TMĐT Shopee cũng đã thống nhất phối hợp với Cục XTTM từng bước đào tạo và tư vấn cho các hộ kinh doanh, các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về kỹ năng mở gian hàng, quản lý, vận hành, triển khai những hoạt động xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm thành công trên sàn TMĐT này.
Theo ông Phú, thời gian tới, việc tiêu thụ hàng nông sản trên kênh trực tuyến sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. “Sắp tới Cục XTTM sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của Sơn La hỗ trợ các hợp tác xã, chủ trang trại… đẩy mạnh phân phối qua kênh livestream trên các nền tảng số” - ông Vũ Bá Phú cho biết.
Việc sản phẩm vải thiều được đón nhận tại thị trường Nhật Bản và nhiều thị trường khác trên thế giới tiếp tục khẳng định thế mạnh của ngành nông sản nước nhà. Ngoài trái vải, các sản phẩm nông sản khác cũng được tiêu thụ mạnh tại nhiều kênh, cả kênh truyền thống cũng như kênh online. Điều này cho thấy, nếu nhà quản lý, DN, nhà sản xuất, chính quyền địa phương cùng nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ngay từ sớm thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải chứng kiến cảnh ùn tắc, giải cứu nông sản suốt thời gian dài vừa qua.
Thế Hưng