Như tin đã đưa , trưa 14/8, bị cáo Nguyễn Kim Hưng đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông do mắc bệnh xơ gan. Trước đó, tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, Hưng “kính” bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Bị cáo này sau đó có đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Hưng "kính" tại tòa sơ thẩm.
Sáng 14/8, đơn xin rút kháng cáo kêu oan của bị cáo Hưng đã được chuyển đến TAND Hà Nội. Dư luận băn khoăn, việc Hưng “kính” tử vong sẽ ảnh hưởng thế nào đến diễn biến sau này của vụ án.
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), bản án hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật đối với phần bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Tuy nhiên, trong vụ án này, trước khi tử vong, bị cáo đã có đơn xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo kêu oan.
“Theo quan điểm của tôi, việc rút đơn kháng cáo của bị cáo sẽ xảy ra 2 trường hợp, căn cứ vào Điều 348 BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 8/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về xét xử phúc thẩm theo BLTTHS năm 2003 (mặc dù Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 238 BLTTHS năm 2003, nay là Điều 348 BLTTHS năm 2015, đã hết hiệu lực nhưng cho đến nay chưa có Nghị quyết nào thay thế nên vẫn được áp dụng).
Trường hợp thứ nhất, bị cáo rút toàn bộ kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm thì thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định. Trường hợp thứ hai, bị cáo xin rút kháng cáo ngay tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm quyền quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thuộc về HĐXX.
Luật sư Tạ Anh Tuấn.
Như vậy, trường hợp này, bị cáo Hưng đã rút toàn bộ kháng cáo kêu oan trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm sẽ là người ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm riêng với phần kháng cáo của bị cáo này. Còn đối với kháng cáo của các bị cáo khác hoặc bị hại trong vụ án, tòa án cấp phúc thẩm vẫn xem xét và mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm.” - luật sư Tuấn phân tích.
Luật sư Đặng Xuân Cường (bảo vệ cho bị hại Nghiêm Thúy Nga) thì cho rằng, theo BLTTHS, bị cáo tử vong khi vụ án đang trong giai đoạn tố tụng thì cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử với riêng người đó. Quyết định đình chỉ phải nêu rõ lý do và căn cứ đình chỉ việc xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo. Các bị cáo còn lại vẫn phải tiếp tục xét xử và thi hành án khi bản án có hiệu lực.
Theo luật sư Cường, sau khi Hưng “kính” đề nghị rút đơn kháng cáo rồi tử vong, căn cứ Khoản 2 Điều 359 BLTTHS, tòa phúc thẩm sẽ hủy phần bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Hưng. Trường hợp phiên phúc thẩm diễn ra thì lời khai của Hưng “kính” tại cơ quan điều tra và nhận định của bản án sơ thẩm là các căn cứ để tòa cấp cao xem xét.
Điều 348: Đình chỉ xét xử phúc thẩm
1. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút toàn bộ kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
...
Điều 359: Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án
…
2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Tiến Nguyên