Nghề làm tăm hương trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân của Quảng Phú Cầu.
Màu đỏ tràn ngập nơi đây báo hiệu một vụ Tết sôi động đang đến với làng nghề trù phú của huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Xã Quảng Phú Cầu từ lâu đã nổi tiếng với nghề tăm hương truyền thống. Dù còn gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng làng nghề đã hối hả vào vụ sản xuất.
Cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, cùng sự hiện đại, trù phú của làng nghề hưng thịnh, xã Quảng Phú Cầu hiện còn lưu giữ nhiều nét cổ kính của làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu có cách đây khoảng 100 năm. Ban đầu, nghề làm hương tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng, song những năm gần đây, nghề này được mở rộng ra các thôn trong xã như Cầu Bầu, Đạo Tú…
Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân của Quảng Phú Cầu. Công việc làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu nhộn nhịp suốt cả năm, nhưng sôi động hơn cả là vào những tháng cuối năm. Thời điểm này, các cơ sở tại Quảng Phú Cầu tất bật chuẩn bị cho vụ hương Tết.
Tăm hương được phơi ven đường làng.
Với gần 20 năm trong nghề làm hương cao cấp, anh Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu), cho biết, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã làm ra 9-10 tấn hương thành phẩm. Vào những tháng cuối năm, sản lượng của hợp tác xã tăng thêm 15-20% so với ngày thường. Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng đẹp, hợp tác xã huy động tối đa nhân lực và máy móc để làm sản phẩm Tết.
Theo anh Thi, thời điểm từ tháng 9-11 khi vào thu, có nắng nhưng không quá nóng, là thời điểm đẹp nhất trong năm để hợp tác xã tăng tốc sản xuất. Sản phẩm hương của hợp tác xã được đánh giá cao về chất lượng với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên…
Để đưa sản phẩm của địa phương ngày một vươn xa, năm 2020, hợp tác xã đã đăng ký với huyện Ứng Hòa tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 3 sản phẩm: Hương nén, hương vòng, hương nụ Thủy Xuân Tiên, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. "Sản phẩm thượng hạng này của Quảng Phú Cầu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi bất kỳ thị trường khó tính nào”, anh Thi khẳng định.
Những "đóa hoa đỏ" khổng lồ, rực rỡ...
Ông Lê Văn Huynh, một trong những hộ làm tăm hương nhiều năm tại Quảng Phú Cầu, chia sẻ, với sản phẩm truyền thống mang yếu tố tâm linh, những người làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn phải cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Vầu dùng làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được những người thợ tuyển chọn, sàng lọc kỹ càng. Những thanh nứa, vầu nhập từ các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín”, sau đó vớt lên, rửa sạch rồi mới chẻ thành tăm.
Cũng theo ông Huynh, để có được một nén hương phải qua rất nhiều công đoạn; trong một nén hương có 20-36 vị thảo mộc xay và trộn đều, tạo mùi hương khác nhau tùy bí quyết từng cơ sở. Thay vì sấy khô, nén hương se xong cần phơi dưới nắng để giữ được hương thơm tự nhiên, nếu nắng mùa hè quá gắt sẽ giảm mùi hương. “Bởi vậy, nắng thu hanh vàng là lợi thế cho làng nghề giữ sản phẩm được cả sắc và hương”, ông Huynh bật mí.
Ngày nắng, đi trên những con đường ở các thôn: Phú Lương Thượng, Cầu Bầu, Đạo Tú…, dễ dàng bắt gặp những "đóa hoa đỏ" khổng lồ, rực rỡ ven đường làng, sân nhà văn hóa, bãi đất trống... Tất cả tạo nên bức tranh làng nghề đặc trưng, đỏ rực hiếm có. Sự độc đáo này cũng là yếu tố thu hút nhiều người tới tham quan, chụp ảnh, hòa mình vào nhịp sống của người làng nghề…
Vẻ đẹp của làng nghề thu hút nhiều người tới tham quan, chụp ảnh.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu chia sẻ, dịp cuối thu, đầu đông, khi thời tiết nắng đẹp là thời gian du lịch làng nghề tăm hương lý tưởng nhất. Đây cũng là thời điểm Quảng Phú Cầu thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới khám phá về nghề làm hương truyền thống. Họ cũng không quên ghi lại những hình ảnh đẹp ở nơi này.
"Cách không quá xa trung tâm Hà Nội, du khách có thể dễ dàng đến với Quảng Phú Cầu theo quốc lộ 21B, tỉnh lộ 429; đặc biệt sẽ thuận tiện hơn khi khách lựa chọn phương tiện giao thông công cộng với tuyến xe buýt số 91 khởi hành từ Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông)”, ông Dịu chỉ dẫn khá chu đáo.
Về với làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, du khách không chỉ được tham quan các công đoạn để làm ra nén hương - một biểu tượng không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh của người Việt, tri ân tổ tiên, tưởng nhớ người đã khuất… Đặc biệt, về làng nghề, du khách còn được vấn vít bởi những hương thơm mộc mạc của quế, thảo dược cùng sự hiếu khách, nhiệt tình của người làng nghề...
Theo Thanh Bắc
Báo Hà Nội Mới