Cụ thể, V.P.A. bị xử phạt 12,5 triệu đồng theo điểm a, khoản 3, Điều 99, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trước đó, vào ngày 19/7, trên trang Facebook cá nhân, người này khoe rằng bản thân đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 Pfizer mà không cần đăng ký. Kèm theo nội dung câu chuyện trên là hình ảnh Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 do Bệnh viện Hữu nghị (Bộ Y tế) cung cấp.
V.P.A. đăng tải thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân.
Thanh tra Bộ Y tế cho biết, theo tài liệu thu thập từ Bệnh viện Hữu Nghị, thì V.P.A. đã được người thân nhờ một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ ngày 12/7 và đã được Giám đốc Bệnh viện đồng ý giải quyết cho tiêm nếu có dư liều vắc xin.
Đây là việc làm để giải quyết tình huống vào cuối mỗi buổi tiêm trong trường hợp có người thuộc diện được mời đến tiêm nhưng không đến hoặc có người thuộc diện được mời đến tiêm nhưng qua khám sàng lọc không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm nhằm tránh lãng phí.
Vì thế, theo Thanh tra Bộ Y tế, việc V.P.A. được tiêm vắc xin Covid-19 vào ngày 19/7 thuộc trường hợp như vừa mô tả trên đây và được Bệnh viện thông báo đến để tiêm. Tại thời điểm ngày 19/7, Bệnh viện Hữu Nghị chỉ còn 2 loại vắc xin mới nhận là Pfizer và Moderna (vắc xin AstraZeneca đã hết từ trước đó) và việc tiêm vắc xin nào cho người đến tiêm do Bệnh viện điều hành, không có sự ưu ái cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, qua mạng xã hội, V.P.A. đã đưa tin về việc bản thân tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký, được ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer. Từ kết quả kiểm tra, xác minh tại Bệnh viện Hữu Nghị, Thanh tra Bộ Y tế nhận thấy V.P.A. đưa tin như đã nêu là sai sự thật.
Vì thế, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Thanh tra Bộ Y tế chuyển hồ sơ vụ việc đến Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Thế Anh