Fica
  1. Đời Sống

Hàng loạt người bị “giật tiền cọc” khi đặt mua khẩu trang

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Số lượng người bị “giật tiền cọc” khi mua khẩu trang vẫn chưa dừng lại và đang có dấu hiệu gia tăng. Một số người bị lừa hàng chục triệu đồng.

Hàng loạt người bị “giật tiền cọc” khi đặt mua khẩu trang - 1

Nhiều người dân đã lên mạng "bóc phốt" vì bị lừa. Trong ảnh, một người đàn ông bị lừa 5 triệu đồng tiền cọc khi đặt mua khẩu trang.

Ngay sau khi Dân trí có bài “Khẩu trang chợ mạng gần 400.000 đồng/hộp, lừa lọc nhau… “giật tiền cọc” thì nhiều người dân đã phản ánh đến Dân trí về việc mình bị lừa.

Chị Thanh Thảo (ngụ Bình Dương) cho biết, chị tham gia vào nhiều nhóm trên Facebook để mua khẩu trang phát cho công nhân. Sau khi tìm kiếm, chị thấy tài khoản tên Đỗ Xuân đăng tin bán khẩu trang với giá 7,5 triệu đồng/thùng 50 hộp.

“Họ nhắn tôi nếu muốn mua 1 thùng thì phải đặt cọc trước 3 triệu đồng. Nếu mua 2 thùng thì đặt cọc 5 – 6 triệu đồng. Tôi quyết định mua 2 thùng và đặt cọc 5 triệu đồng”, chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, tài khoản Đỗ Xuân nhắn tin gửi cả ảnh chụp hai mặt chứng minh nhân dân mang tên Đỗ Văn Xuân nên khiến chị tin tưởng và không cảnh giác. Chị đã chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản tên Do Van Xuan mở tại Ngân hàng ACB Chi nhánh Hà Thành (Hà Nội).

Sau khi chuyển tiền thành công, tài khoản Đỗ Xuân cũng đã chặn tin nhắn của chị Thảo trên mạng xã hội, gọi điện thoại thì không nghe máy. Chị Thảo biết mình đã bị lừa.

Hàng loạt người bị “giật tiền cọc” khi đặt mua khẩu trang - 2

Các đối tượng lừa đảo thường đưa CMND trùng tên chủ tài khoản ngân hàng để người dân tin tưởng.

Chị Thùy Trang (ngụ Đà Nẵng) chia sẻ, chị lên mạng tìm mua khẩu trang để làm từ thiện. Sau thời gian tìm kiếm, chị thấy tài khoản Facebook tên Nguyễn Hải Phương bán giá chỉ 7,5 triệu đồng/thùng 50 hộp. Trong khi đó, nhiều tài khoản khác đang bán với giá từ 17 – 20 triệu đồng/thùng 50 hộp.

“Tôi quyết định mua 10 thùng với giá 75 triệu đồng. Họ yêu cầu tôi đặt cọc 10%, tức 7,5 triệu đồng rồi sẽ làm phiếu xuất kho và chở hàng cho tôi. Đáng lẽ tôi cũng không bị lừa, nhưng họ chụp chứng minh nhân dân chủ tài khoản và phiếu xuất kho nên tôi nghĩ không phải lừa đảo”, chị Trang nói.

Sau khi chị Trang chuyển 7,5 triệu đồng, kẻ gian cũng đã “cao chạy xa bay”. Không chỉ có chị Trang, chị Thảo mà nhiều người khác cũng bị các đối tượng lừa đảo “giật tiền cọc” từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng.

Chị Diệu Khánh (ngụ Bình Dương) cho biết, chị bị kẻ gian lừa mất 15 triệu đồng khi đặt mua khẩu trang trên mạng.

“Tôi mù quáng nên tin vào những thông tin trên mạng. Tôi rất buồn và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc. Nhiều người xung quanh tôi cũng bị lừa đặt cọc như vậy. Tôi mong mọi người sẽ rút kinh nghiệm, mua bán cẩn trọng để khỏi mất tiền oan”, chị Khánh chia sẻ.

Theo một cán bộ làm việc tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM, những đối tượng lừa đảo trên mạng thường thuê những người kém hiểu biết hoặc kinh tế eo hẹp để mở tài khoản ngân hàng bán cho chúng. Sau đó, các đối tượng sẽ dùng những tài khoản này để đi lừa đảo người dân.

Người dân cần cẩn trọng khi giao dịch với những người không quen biết, tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa biết rõ thông tin người nhận. Ngoài ra, việc người dân mua bán, trao đổi, tàng trữ tài khoản ngân hàng trái phép có thể bị phạt từ 3 – 7 năm tù và phạt tiền từ 20 – 500 triệu đồng.

Hàng loạt người bị “giật tiền cọc” khi đặt mua khẩu trang - 3

Khẩu trang luôn là mặt hàng rất "nóng" trong thời gian qua.

Mới đây, Tổng cục Hải quan nhận định, dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (Covid-19) gây ra đã kéo theo sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, các loại thuốc tăng cường miễn dịch..

Ở một số địa phương, nhất là một số thành phố lớn, các tỉnh giáp ranh biên giới đã có tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn. Các đối tượng còn thu gom vật tư y tế buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới để kiếm lời. 

“Những hành vi vi phạm pháp luật trên đã tác động trực tiếp đến mục tiêu ổn định giá cả thị trường và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch Covid-19”, Tổng cục Hải quan nhận định.

Hàng loạt người bị “giật tiền cọc” khi đặt mua khẩu trang - 4

Khẩu trang y tế đang có giá "trên trời" dao động từ 17 - 20 triệu đồng/thùng 50 hộp.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng phòng chống dịch Covid-19.

Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19. Lực lượng hải quan sẽ phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng khác như Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường nhằm đấu tranh, bắt giữ những đối tượng có hành vi vi phạm.

Đại Việt