Theo phản ánh của những hộ dân ở xã Cẩm Nhượng đang sử dụng điện của HTX Thành Tâm, 3 tháng trở lại đây, hóa đơn tiền điện tăng bất thường, có tháng chênh lệch hơn một triệu đồng. Họ đã đồng loạt viết đơn phản ánh bất cập gửi lên cơ quan chức năng. Nhiều người bức xúc đã đăng lên Facebook chỉ trích, bình luận.
Cụ thể như gia đình ông Phạm Văn Hoàn (thôn Xuân Nam), cách đây gần 2 tuần, gia đình ông Nam thấy giá điện cao hơn khoảng 200.000 đồng so với mức bình quân các tháng trước (mỗi tháng gia đình sử dụng hết 400 – 500 nghìn đồng tiền điện nhưng bỗng nhiên tăng lên 600-700 nghìn) nên đã phản ánh sự việc lên Facebook.
“Sau hôm đó, người bên hợp tác xã đã đến cắt điện của nhà tôi, do người dân chúng tôi phản đối vì cắt điện vô lý nên một ngày bị cắt điện họ đã mở lại cho chúng tôi” – vợ ông Hoàn nói.
Người dân xã Cẩm Nhượng bức xúc phản ánh vì vô lý bị cắt điện.
Một số hộ dân khác còn cho biết, ngoài việc tiền điện tăng bất thường, giá tiền điện các hộ dân phải nộp cho HTX cao hơn tiền điện của Nhà nước quy định (giá điện kinh doanh hiện tại người dân phải đóng cho HTX là 2.827 đồng/KW (chưa thuế GTGT) trong khi giá điện của điện lực chỉ 2.461 đồng/KW). Nhiều hộ dân thấy bất bình trước sự việc tuy nhiên không dám phản ánh vì sợ bị cắt điện ảnh hưởng tới việc kinh doanh.
“Chúng tôi đặc thù là dân vùng biển, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và kinh doanh hải sản đông lạnh. Chỉ cần mất điện 1 tiếng đồng hồ thôi là hải sản đã hư hỏng, thối rữa hết rồi chứ đừng nói là mất mấy ngày liên tục. Từ trước đến nay, mỗi lần có vấn đề gì bức xúc về điện, người dân chúng tôi phản ánh là lại bị HTX “dọa” cắt điện nên lâu dần, chúng tôi không ai dám phản ánh nữa” - chị Nguyễn Thị Anh nói.
Liên quan đến việc người dân phản ánh, ông Nguyễn Trọng Dũng, Chủ nhiệm HTX điện Thành Tâm cho biết, đơn vị này đã ra văn bản đề nghị 20 hộ dân viết bình luận phản ánh tăng giá điện đi thẩm định lại đồng hồ điện, tuy nhiên chỉ có 3 hộ thực hiện, còn lại không.
"Khi họ phản ánh, chúng tôi cho người tới kiểm tra xem có đọc lộn số hoặc bị chập điện không. Khi không có sai sót, muốn xác định dùng điện nhiều hay ít thì chỉ có cách đi thẩm định đồng hồ điện. Hiện hai hộ sau khi đi thẩm định về không còn khiếu nại, một hộ vẫn chưa hợp tác" - ông Dũng nói.
Văn bản HTX Thành Tâm gửi đến các hộ dân.
Còn về việc người dân phản ánh trên Facebook, vị chủ nhiệm Hợp tác xã trên cũng cho hay, khi thấy người dân bình luận trên Facebook, ông đã cho nhân viên ghi lại tên từng người để làm việc cho rõ ràng.
“Chúng tôi đã thu đúng, không bao giờ ăn chặn tiền của dân. Việc người dân phản ánh thì chúng tôi phải kiểm tra để giải quyết rõ ràng” – ông Dũng khẳng định.
HTX điện Thành Tâm
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, quyền Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho rằng hợp tác xã làm như vậy là sai, bởi người tiêu dùng có thể bình luận, phản ánh về việc sử dụng dịch vụ. Để biết sai hay đúng thì nên đến xác minh, giải thích rõ ràng, chứ không nên ra văn bản đề nghị dân đưa đồng hồ đi thẩm định.
"Xã đã mời đại diện hợp tác xã lên làm việc, họ hứa khắc phục tồn tại. Hiện còn một hộ dân sau khi được yêu cầu tháo đồng hồ chưa chấp nhận đấu nối lại để phản ứng" - ông Hùng cho nói.
Được biết, từ năm 2009, Chính phủ chủ trương chuyển đổi mô hình này cho ngành điện quản lý. Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao được 257/262 xã, còn 5 xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã, trong đó có Cẩm Nhượng.
Tiến Hiệp