Không còn là "mảnh đất" màu mỡ
Anh Trần Ngọc Đức trú tại Yên Nghĩa, (Hà Đông, Hà Nội) đã chuyển sang làm shipper ban đêm từ tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Trước đó, công việc của anh là lái xe du lịch.
Làm quen với công việc giao hàng, thời gian làm việc của anh bắt đầu từ 18h và kết thúc lúc 4h sáng ngày hôm sau. Nhưng 1-2 tháng gần đây, anh thường trở về nhà sớm hơn do "ế khách".
So sánh của anh Trần Ngọc Đức: Thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, mỗi đêm anh thường phải di chuyển 60 - 70 km để giao khoảng 20 suất ăn cho khách hàng. Sau khi trừ chi phí xăng xe, anh thu lời khoảng 20.000 đồng với từng đơn hàng.
Anh Đức cho rằng thu nhập những ngày qua giảm quá một nửa.
"Từ sau Tết, dịch bệnh ổn định, thời tiết ấm áp, số lượng đơn hàng của tôi giảm hơn một nửa. Như tối qua, tôi chỉ có 4 đơn, xong ngồi chơi cả tiếng, không ai gọi nên về nhà ngủ sớm" - anh Trần Ngọc Đức nói.
Theo anh Trần Ngọc Đức, khách hàng ít sử dụng dịch vụ ship hàng ban đêm là do dịch bệnh đã được kiểm soát và người dân không còn ngại ra đường.
"Trước đây, mỗi đêm đi làm, trừ chi phí tôi kiếm được 300 - 500 nghìn đồng. Từ sau Tết đến nay, hôm nào may mắn lắm mới kiếm được 200 nghìn đồng" - anh Trần Ngọc Đức tâm sự.
Cùng cảnh "giảm khách", anh Nguyễn Văn Giang, quê ở Quế Võ, (Bắc Ninh), ngao ngán nói: "Từ tối đến giờ, tôi mới được 3 đơn. Một đơn tận Nam Từ Liêm rồi vòng sang Ba Đình xong xuống Hoàng Mai, chẳng biết có đủ tiền xăng không".
Anh Nguyễn Văn Giang dự định sẽ tìm một công việc khác trong thời gian tới.
Từng có kinh nghiệm 5 năm làm nghề Shipper, anh Nguyễn Văn Giang cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc lượng đơn hàng giảm là do thời điểm dịch bệnh có quá nhiều lao động chuyển đổi từ nghề khác sang làm shipper khiến cung vượt quá cầu.
Tính chuyện chuyển nghề
Gắn bó với nghề 5 năm qua, anh Nguyễn Văn Giang cho rằng: "Thời điểm này, công việc giao hàng còn khó khăn hơn những năm chưa xuất hiện dịch bệnh".
Năm nào cũng vậy, thời điểm cuối năm là lúc những shipper "gặt hái" nhiều nhất. Đổi lại, những tháng đầu năm người làm nghề shipper lại thiếu việc làm.
"Tôi đang tính toán đến tới chuyện chuyển nghề. Có lẽ tôi sẽ mở một quán ăn nhỏ hoặc xin đi làm tư vấn khách hàng cho một công ty bán dược phẩm đúng với ngành đã học" - anh Nguyễn Văn Giang chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Văn Giang, ý định chuyển nghề đã có từ lâu. Anh cho rằng, nghề shipper không thể làm lâu dài được. Vì nghề này đòi hỏi sức khỏe và nguy hiểm khi phải tham gia giao thông hàng ngày, nhất là vào ban đêm.
Với anh Lê Văn Tính, quê ở Giao Thủy, (Nam Định), nhân viên của một công ty nội thất trên địa bàn quận Thanh Xuân, dịch bệnh ập đến khiến thu nhập của anh giảm 80%. Anh đã chuyển sang làm nghề shipper ban đêm để có thu nhập trong những ngày dịch bệnh hoành hành.
"Thời điểm đỉnh dịch ở Hà Nội, có tháng tôi thu nhập được 15 triệu đồng. Số tiền này, gần bằng mức lương mà công ty thiết kế nội thất trả cho tôi. Nhưng, cứ dịch ổn định là thu nhập của tôi từ nghề giao hàng giảm nhanh chóng" - anh Lê Văn Tính nói.
Anh Tính cho rằng, nghề này đã là "cái phao cứu sinh" vượt qua dịch bệnh nhưng không mang tính chất ổn định và lâu dài.
Anh Lê Văn Tính dành thời gian rảnh vào buổi tối để đi làm. Theo anh, hàng giao buổi tối chủ yếu là đồ ăn, thức uống nên yêu cầu người giao phải nhanh nhẹn. Ban ngày, anh vẫn dành thời gian để theo đuổi nghề nghiệp chính là thi công và thiết kế nội thất.
Anh cho biết: "Khoảng hơn tháng trở lại đây, công việc làm nội thất của tôi đã dần đều việc trở lại, đạt khoảng 70% so với những năm trước. Cũng thời điểm này, nghề shipper ban đêm không nhiều việc nữa, làm mấy buổi nữa chắc là tôi bỏ để tập trung vào công việc chính".
Không mang tính chất lâu dài và ổn định, nhưng với anh Lê Văn Tính, nghề shipper đã trở thành "Phao cứu sinh" giúp anh vượt qua những tháng xuất hiện dịch bệnh Covid-19.
"Tôi quen nhiều người bạn cùng làm nghề này, một số người đã nghỉ để chuyển sang làm công việc khác. Cũng không ít người đang tìm kiếm cho mình một công việc có thu nhập ổn định hơn" - anh Lê Văn Tính cho biết thêm.
Phạm Công