UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 4170, tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố giao UBND các quận huyện cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại.
Thịt chó là món khoái khẩu của nhiều người dân
UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận huyện tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định; khuyến khích việc đeo thẻ nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng dại.
Các đơn vị cũng được giao nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống bệnh dại và các hoạt động kinh doanh, giết mổ chó, mèo trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để phòng, chống bệnh dại.
TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận huyện tuyên tuyền về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...) khi sử dụng thịt chó, mèo. Từ đó, người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
Theo TP Hà Nội việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 493 nghìn con chó, mèo. Trong đó, với mục đích nuôi để giữ nhà chiếm khoảng 87,5%, còn lại là nuôi với mục đích khác như làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm; có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo; 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh.
Từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn; có 2 mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với bệnh dại tại quận Bắc Từ Liêm và quận Hoàng Mai.
Quang Phong