Làng nghề 300 năm tuổi
Về làng nghề làm nước mắm Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào những ngày cuối năm, không khí như nhộn nhịp hơn, người dân dường như hối hả, bận rộn hơn với các đơn hàng để kịp cung ứng phục vụ người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề làm nước mắm Khúc Phụ ra đời từ cuối thế kỷ XVII do ông Cao Văn Điển, quê ở Hà Tĩnh truyền tới. Sau nhiều lần ra, vào bán nước mắm ở đây, nhận thấy vùng biển này có nguồn cá dồi dào, làm ra nước mắm ngon, ông đã đưa cả gia đình đến Khúc Phụ để muối cá, làm nước mắm.
Gia đình bà Hoan có 4 đời làm nước mắm gia truyền.
Bà Lê Thị Hoan, người làm nước mắm Khúc Phụ lâu đời tại cơ sở sản xuất Bà Hoan chia sẻ: "Gia đình bà là đời thứ 4 làm nước mắm. Ngày xưa, nước mắm sau khi làm xong đóng vào can, lọ sẽ được những người trong gia đình mang đi bán khắp nơi. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, nước mắm sản xuất đến đâu có xe của thị trường các nơi đến lấy đi đến đó".
Theo bà Hoan, để làm nên những giọt nước mắm Khúc Phụ là cả một quy trình nghiêm ngặt, bắt đầu từ khâu đầu tiên đã quyết định đến độ ngon của nước mắm là tuyển chọn cá. Cá làm mắm nhất thiết phải là cá tươi, cá càng tươi thì vị nước mắm càng đậm ngon, trong đó chủ yếu là cá Nục, cá Cơm, cá Lâm. Với cách làm truyền thống, quá trình muối cá tự nhiên kéo dài từ 12 - 24 tháng, tùy thuộc vào từng loại cá, thời gian ngâm ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon, nước mắm Khúc Phụ loại cốt để càng lâu càng quý.
Nước mắm Khúc Phụ có vị mặn ngọt, rất đằm, hương thơm nồng đậm, khi gia giảm chế biến các món ăn thì dậy mùi thơm đặc trưng.
"Khi cá đã ngấu thành chượp, phải đánh "chao đảo" liên tục, nhất là những ngày trời nắng. Nước mắm cốt phải trong veo, màu nâu cánh gián, có mùi thơm ngọt của đạm... Những ai đã từng thưởng thức nước mắm Khúc Phụ chắc chắn không thể nào quên vị và hương thơm đặc trưng của nó. Nước mắm có vị mặn ngọt, rất đằm, hương thơm nồng đậm, khi gia giảm chế biến các món ăn thì dậy mùi thơm đặc trưng" - bà Hoan cho biết.
Chị Nguyễn Thị Yến, chủ cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền Yến Phương, cho biết, gia đình chị đã có truyền thống 3 đời làm nghề chế biến nước mắm. Gia đình có 6 anh chị em, thì có 4 người tiếp nối truyền thống làm nước mắm.
"Có những thời điểm tưởng không giữ được nghề nhưng rồi mình cứ nghĩ đó là nghề mà cha ông đã để lại. Hơn nữa cũng là kế sinh nhai của gia đình nên lại cố gắng gìn giữ. Những năm gần đây, nước mắm Khúc Phụ có chỗ đứng trong thị trường nên người làm nước mắm như chúng tôi cũng đã đỡ vất vả hơn nhiều" - chị Yến nói.
Nước mắm cốt phải trong veo, màu nâu cánh gián, có mùi thơm ngọt của đạm.
Tại cơ sở của gia đình bà Hoan, dù làm quanh năm duy trì 6-7 lao động nhưng dịp Tết, gia đình bà lại huy động thêm hơn 10 lao động khác để kịp các đơn hàng.
Còn Gia đình chị Yến có 3 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 4-5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ mỗi khi vào mùa muối cá mới.
Gắn bó với nghề hơn 30 năm và trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, đến nay, nghề làm nước mắm truyền thống đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Liên (thôn Hợp Tân) vươn lên thoát nghèo. Mặc dù chỉ sản xuất nhỏ lẻ nhưng những ngày này, gia đình bà Liên cũng phải thuê thêm 3 đến 4 lao động để phục vụ các đơn hàng cho dịp Tết sắp tới.
Được biết, tháng 4/2015, nước mắm Khúc Phụ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp logo và chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch. Đến nay nhờ có cơ chế mới phát triển nghề truyền thống, cũng như đầu tư công nghệ vào khâu đóng chiết, nhãn mác phù hợp với thị trường nghề làm nước mắm Khúc Phụ được khôi phục và phát triển, trở thành nghề chính thu nhập cao của người dân.
Kiếm tiền tỉ từ nghề làm nước mắm
Ông Trương Hùng Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, nghề làm nước mắm Khúc Phụ trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, nhưng người dân nơi đây vẫn cố gắng giữ gìn nghề truyền thống. Đến nay, xã vẫn còn 300 hộ tham gia sản xuất, mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm nghìn lít.
Nghề làm nước mắm gia truyền không những giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Riêng năm 2020, gần 700.000 lít nước mắm Khúc Phụ đã có mặt ở khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, sản phẩm nước mắm Khúc Phụ đã đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh và sản phẩm mắm Lê Gia đạt 5 sao OCOP quốc gia. Các cơ sở xuất nước mắm như nước mắm Bà Hoan, nước mắm Lê Gia, nước mắm Quang Thuận... doanh thu mỗi năm từ 5 -10 tỷ. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ doanh thu cũng phải từ trên 1 tỷ đồng trở lên.
"Nghề sản xuất nước mắm truyền thống vẫn được xem là mũi nhọn, mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương. Nhờ nghề này mà nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Điển hình như gia đình ông Ngô Văn Phương (thôn Hợp Tân), là hộ khó khăn, vươn lên làm giàu, nuôi con ăn học có nghề nghiệp ổn định; gia đình bà Nguyễn Thị Hóa (thôn Hợp Tân), chồng chết sớm, là hộ nghèo nhiều năm thế nhưng nhờ nghề làm nước mắm, gia đình bà đã thoát nghèo và nuôi 5 người con đều đi học đại học, có công ăn việc làm.
Nhiều cơ sở làm nước mắm gia truyền cho doanh thu tiền tỉ mỗi năm.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 56 triệu/người/năm và tăng lên mức 60 triệu đồng/người/năm trong năm 2020. Nghề làm nước mắm góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo tương ứng từ 4,7% xuống 1,94%.
Ngoài góp phần thoát nghèo, nghề truyền thống sản xuất nước mắm còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Hiện Hoằng Phụ có 35 doanh nghiệp, mỗi cơ sở trên 10 lao động ổn định quanh năm với thu nhập 6-10 triệu đồng" - ông Thế cho biết thêm.
Bình Minh