Fica
  1. Đời Sống

Giảm giá kịch sàn, các cửa hàng quần áo vẫn “vắng như chùa bà đanh”

Hoàng Dung
Hoàng Dung

Dù căng biển giảm giá sập sàn, khuyến mại tới 50-70% nhưng nhiều cửa hàng quần áo ở Hà Nội vẫn rơi vào cảnh ế khách, nhân viên chỉ biết ngồi bấm điện thoại cho qua ngày.

Dù không có tên trong danh sách phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động trong đợt dịch lần thứ 4 nhưng nhiều cửa hàng quần áo ở Hà Nội vẫn khóc ròng khi lượng khách giảm sâu. Thậm chí, ở cửa hàng còn ghi nhận, cả ngày không có khách vào mua đồ dù đã treo biển quảng cáo, khuyến mại cực sốc.

Chị Thùy Anh - chủ một tiệm quần áo trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) - cho biết, do vắng khách, chị đã phải cắt giảm 1/2 số nhân sự. Thậm chí, nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, chị còn tính đến chuyện sang nhượng lại cửa hàng.

“Sau 3 lần dịch bùng phát, mọi người cũng hạn chế, thắt chặt chi tiêu hơn nên việc mua sắm cũng chậm dần. Họ ưu tiên cho thực phẩm, thuốc men hơn là các đồ may mặc. Nên làm ngành thời trang như tôi bây giờ là sống dở chết dở” - chị Thùy Anh buồn rầu nói.

Để khắc phục tình hình, chị Thùy Anh ngoài bán ở cửa hàng còn đẩy mạnh việc bán đồ trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Laza hay mạng xã hội như facebook, zalo, instagram.

“Không chỉ khâu bán chậm mà việc lấy hàng cũng khó khăn do tình hình dịch bệnh. Như mọi năm, vào hè là quán tôi đã nhập gần xong hàng mới nhưng nay chỉ mới về khoảng 50-60% so với dự kiến” - chị Thùy Anh kể.

Giảm giá kịch sàn, các cửa hàng quần áo vẫn “vắng như chùa bà đanh”

Tương tự, anh Vũ Quân (Hà Nội) cho biết, ngày trước, anh có 1 cửa hàng rộng 30 m2 trên đường Phạm Ngọc Thạch. Nhưng đầu năm nay, anh mới trả lại mặt bằng, chuyển vào trong ngõ để tiết kiệm chi phí trong mùa dịch.

“Lý do tôi vẫn phải mở cửa hàng là do bởi nhiều khách vẫn quen đến thử đồ trực tiếp. Nếu mình không duy trì việc đó, sau dễ mất khách như chơi” - anh Quân cho hay.

Theo anh Quân, giá thuê nhà trong ngõ chỉ tầm 50-60% so với ở ngoài mặt đường. Tuy lượng khách mới giảm đi do vị trí không đắc địa nhưng bù lại lượng khách quen, khách ruột vẫn duy trì ở mức tốt.

“Cửa hàng tôi ngày trước có bảo vệ chuyên dắt, trông xe nhưng giờ tình hình khó khăn thì nhân viên phải thay nhau cắt cử ra làm việc đó. Tôi là chủ, vẫn phải trông xe, bán hàng ầm ầm, thậm chí, khi nào bận quá còn kiêm luôn cả chân shipper cho quán” - anh Quân nói.

Phần lớn các cửa hàng truyền thống bán “offline” đều vắng khách.

Cay đắng hơn, chị Tú Lệ, chủ một cửa hàng váy bầu ở Cầu Giấy (Hà Nội) còn phải cho nghỉ toàn bộ nhân viên. Giờ ở quán, chị vừa là chủ, là nhân viên, là bảo vệ kiêm luôn người giao hàng.

“Doanh thu trong tháng 5 vừa qua của tiệm đã giảm tới 60%, trừ hết chi phí thuê mặt bằng, tiền điện nước, tôi thu về chẳng đáng là bao” - chị Lệ tâm sự.

Theo chị Tú Lệ, nếu tình hình dịch kéo dài, nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ như chị sẽ không chống đỡ, gắng cự được. Bởi vì, quỹ dự phòng của chị sau 4 lần dịch đã vơi dần và ngày càng cạn kiệt.

An Chi