Giải quyết khó khăn cho NLĐ
Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa là công nhân Công ty cổ phần dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam (huyện Thọ Xuân). Do dịch Covid-19, công ty nơi chị làm việc rơi vào khó khăn, không có đơn hàng. Hàng hóa ngưng trệ, nhiều dây chuyền sản xuất phải tạm dừng hoạt động đồng nghĩa với hàng trăm lao động mất việc làm.
Chị cũng là một trong số công nhân phải chấp nhận ngừng việc. Nghỉ việc từ cuối tháng 4/2021, trong khi ở vùng nông thôn, chị không biết phải tìm kiếm công việc gì để có tiền trang trải cuộc sống.
Thời điểm dịch bệnh chưa xảy ra, thu nhập trung bình mỗi tháng của chị là 6-7 triệu đồng. Đây cũng là chi phí sinh hoạt chủ yếu trong gia đình chị. Vậy nhưng, khi bị ngừng việc, cuộc sống gia đình như bị đảo lộn. Hai đứa con sắp vào năm học mới nhưng chị cũng chưa biết phải xoay xở ra sao.
Hơn 100 công nhân của Công ty may Xuân Lam (Thọ Xuân) vô cùng xúc động khi được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ.
"Đang trong thời điểm khó khăn nhất thì công ty báo sẽ hỗ trợ 3 tháng lương, mỗi tháng hơn 3,7 triệu đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, tôi mừng quá. Vậy là đã có tiền để mua sách vở cho các con vào năm học mới, trả nợ…", chị Nguyễn Thị Hồng Hoa nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa cũng chia sẻ: "Khi ngừng việc, công nhân chúng tôi cũng không nghĩ vẫn được công ty hỗ trợ lương. Chúng tôi thật sự rất xúc động, rất biết ơn sự hỗ trợ động viên, kịp thời của Chính phủ, của công ty".
Ngày 8/8, Công ty CP Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa (huyện Thường Xuân) là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 0% theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, với số tiền hơn 110 triệu đồng để trả lương cho 12 người lao động.
Đến ngày 14/8, doanh nghiệp thứ 2 được giải ngân là Công ty cổ phần dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam với gần 1 tỷ đồng cho hơn 100 lao động mất việc làm.
Mới đây nhất, ngày 20/8, Công ty CP Dạ Lan được giải ngân số tiền hơn 1 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho lao động do ảnh hưởng của Covid-19.
Cũng không khác hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, chị Lang Thị Thoái, là công nhân của Công ty Xây lắp và dịch vụ điện Tín Nghĩa (Thường Xuân). Dịch Covid-19 cũng khiến chị phải tạm thời nghỉ việc từ cuối tháng 4/2019.
Nơi chị ở là vùng núi, không có ruộng, chỉ có đồi, núi, người trên quê chị chủ yếu làm công việc bốc vác cây để đổi lấy gạo ăn.
Chị Lang Thị Thoái sức khỏe yếu, lại đang nuôi con nhỏ khiến mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào thu nhập "ba cọc ba đồng" của chồng.
Cho đến nay, chị Lang Thị Thoái vẫn chưa có việc để đi làm. Bất ngờ được công ty thông báo chuyển hỗ trợ 3 tháng lương tối thiểu. Theo chị Lang Thị Thoái, với hơn 10 triệu đồng, mọi khó khăn trước mắt của gia đình đã tạm thời được giải quyết.
Sau 3 tháng ngừng việc, một số công nhân của Công ty may Xuân Lam đã bắt đầu đi làm trở lại.
"Dịch bệnh khó khăn như thế này nhưng công ty vẫn có trách nhiệm với công nhân. Với chúng tôi, mức hỗ trợ này đã mãn nguyện lắm rồi. Không chỉ có kinh phí trang trải cuộc sống mà còn giúp những công nhân như chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục cố gắng. Chỉ mong sao dịch bệnh nhanh chóng qua đi, chúng tôi có thể đi làm trở lại, bớt gánh nặng cho xã hội", chị Lang Thị Thoái tâm sự.
Được nhận một lúc 3 tháng lương trong thời điểm khó khăn này, với những người NLĐ nêu trên... cảm thấy hết sức vui mừng, mọi chật vật, lo lắng mưu sinh sau chuỗi ngày bị ngừng việc đã được giải tỏa.
Quyết sách kịp thời, nhân văn
Theo chị Nguyễn Thị Khánh, công nhân Công ty dịch vụ điện Tín Nghĩa, tiêu chí, điều kiện và hồ sơ để công nhân tiếp cận chính sách rất thuận lợi, nhanh gọn, không mất nhiều thời gian.
"Nhận lương hỗ trợ mà chúng tôi mừng như lần đầu tiên được nhận lương. Một đồng hỗ trợ đến tay trong thời điểm khó khăn như thế này thật sự rất đáng quý, đáng trân trọng", chị Nguyễn Thị Khánh bộc bạch.
Ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa, cho biết: "Chính sách của Chính phủ rất thiết thực, không chỉ giúp NLĐ và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ cần thiết để chúng tôi tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững, vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh".
Cũng theo ông Lê Văn Nghĩa, ngay sau khi được ngân hàng giải ngân, công ty đã chuyển ngay tới người lao động. "Tôi hiểu, họ khó khăn, họ mong từng ngày được nhận hỗ trợ. Chính phủ đã kịp thời mà mình không kịp thời đưa đến NLĐ, không những có lỗi với dân mà còn có lỗi", ông Lê Văn Nghĩa nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, chính sách hỗ trợ của Chính phủ không chỉ giúp NLĐ và doanh nghiệp có thêm nguồn lực vật chất, mà quan trọng hơn là giá trị tinh thần, tạo động lực để mọi người cùng chống đỡ và vượt qua đại dịch, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh, xã hội cho mọi người dân.
"Một quyết sách hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm động lực cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ", ông Nguyễn Tiến Trứ khẳng định.
Theo rà soát của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/8, đơn vị đã rà soát được 2.041 doanh nghiệp. Trong đó, có 1.815 doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đến thời điểm hiện tại đã có 6 doanh nghiệp liên hệ vay vốn; trong đó, 3 doanh nghiệp đã được giải ngân kịp thời với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Bình Minh