Cách đây hơn nửa tháng, thanh long tại các tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… được các tiểu thương thu mua với giá 15.000-23.000 đồng/kg. Nhưng khoảng 10 ngày gần đây, nông dân đang khóc ròng vì thương lái không đến thu mua. Giá thanh long chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, nông dân thua lỗ.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết thị trường Trung Quốc (TQ) giảm nhập. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là nhiều năm qua, TQ đã phát triển mạnh diện tích trồng thanh long nhằm cung cấp cho thị trường trong nước.
Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), hiện nay diện tích trồng thanh long của TQ là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.
Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của TQ sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới.
TQ cũng vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng lớn, giảm nhập nên thanh long Việt Nam bị "dội hàng", giá rẻ như cho.
TQ bắt đầu thu hoạch thanh long từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam.
Đó chính là lý do thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra. Thời điểm hiện tại, giá bán buôn thanh long trên thị trường TQ bắt đầu xu hướng chững lại và giảm nhẹ.
Điều đáng lo ngại là TQ đã trồng thanh long từ nhiều năm nay và họ bắt đầu cho thu hoạch. Do đó, lượng nhập từ Việt Nam có thể giảm. Hiện thanh long ruột đỏ của Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào TQ nên nếu thị trường này giảm mua, doanh nghiệp Việt Nam có nước… đổ bỏ.
Ngoài ra, nguyên nhân nữa là TQ kiểm soát việc nhập khẩu thanh long qua đường biên mậu thông qua việc chỉ cấp phép cho một số doanh nghiệp nhập khẩu thanh long với số lượng nhất định và theo kế hoạch cụ thể.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào TQ qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây (TQ), từ ngày 1/4/2018 vừa qua, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ…
Như vậy, TQ đang ngày càng siết chặt hơn việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam vào thị trường này, các yêu cầu về chất lượng cũng ngày càng nâng cao hơn.
Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM