Điều đặc biệt ở bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil (trái), đó là một mình bà nắm quyền sở hữu các siêu phẩm hội họa này.
Mới đây, nhà đấu giá Sotheby tại Hồng Kông đã bán đấu giá thành công tác phẩm "Portrait de Mademoiselle Phuong" (Chân dung Madam Phương) với mức giá xác lập kỷ lục đối với các tác phẩm hội họa được thực hiện bởi một họa sĩ người Việt. Bức tranh này trước đó thuộc vào bộ sưu tập "ngoại hạng" của một người phụ nữ gốc Việt có tên Dothi Dumonteil.
Nhà đấu giá Sotheby đánh giá đây là những siêu phẩm của hội họa Việt Nam, trong đó đáng kể nhất là bức "Chân dung Madam Phương", bức tranh sơn dầu hiếm hoi được họa sĩ Mai Trung Thứ thực hiện trong sự nghiệp của mình, tác phẩm cũng có kích thước lớn hiếm thấy so với kích thước thường thấy ở các tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ.
Bức "Chân dung Madam Phương", bức tranh sơn dầu hiếm hoi được họa sĩ Mai Trung Thứ thực hiện trong sự nghiệp của mình.
Điều đặc biệt ở bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil, đó là một mình bà nắm quyền sở hữu các siêu phẩm hội họa này, trước khi bán đấu giá, bộ sưu tập của bà có 4 bức tranh quý được thực hiện từ "thời đại vàng" của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, bà Dothi Dumonteil quyết định đem đấu giá cả 4 tác phẩm này.
"Chân dung Madam Phương": Biểu tượng đa nghĩa của "Mùi đu đủ xanh"
Tác phẩm "Chân dung Madam Phương" có mức giá ước đạt ban đầu ở mức 7,5 - 9,3 triệu đô la Hồng Kông. Mức giá đạt được tại phòng đấu giá lên tới 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 72,5 tỷ đồng).
Trong bộ phim điện ảnh "Mùi đu đủ xanh" (1993), một bộ phim đặc sắc của đạo diễn Trần Anh Hùng, bức tranh từng xuất hiện trong một số phân cảnh và mang ý nghĩa biểu tượng cho người phụ nữ hiện đại.
Mức giá đạt được tại phòng đấu giá lên tới 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 72,5 tỷ đồng).
Bức tranh chân dung treo trên tường đã lặng lẽ chứng kiến chuyện tình mở ra giữa nhân vật nữ chính - Mùi và chàng nghệ sĩ piano - Khuyến. Kể từ sau khi xuất hiện trong bộ phim, tác phẩm vẫn được giữ kín trong bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil, không trưng bày lần nào. Về "Mùi đu đủ xanh", đây là bộ phim có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Bộ phim nói tiếng Việt đã từng giúp đạo diễn nhận về giải Camera d'Or (giải Máy quay Vàng) tại LHP Cannes (Pháp) hồi năm 1993 và sau đó, phim được đề cử ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar 1994.
Trong phim, bức "Chân dung Madam Phương" được treo bên cây đàn piano của người nghệ sĩ tên Khuyến, một thanh niên trẻ tuổi, tài năng, học thức mà Mùi đến làm giúp việc theo sự sắp đặt của bà chủ cũ.
Bức tranh là một chứng nhân cho sự trưởng thành của nữ nhân vật chính và một cuộc tình dần hé mở giữa cô và Khuyến.
Bức tranh là một chứng nhân cho sự trưởng thành của nữ nhân vật chính và một cuộc tình dần hé mở giữa cô và Khuyến.
Bức chân dung mang nhiều ý nghĩa biểu đạt trong tác phẩm điện ảnh đặc biệt này, đó là một hiện thân đẹp đẽ phản chiếu những vẻ đẹp của Mùi, một cô gái đang trên con đường tìm thấy chính mình, khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong mình và cả niềm hạnh phúc đang chờ đợi cô ở phía trước.
Tác phẩm chứa đựng thông điệp nhẹ nhàng và tinh tế về vẻ đẹp và vị trí của người phụ nữ trong gia đình, trong đời sống, họ mang trong mình những tiêu chuẩn đầy lý tưởng về vẻ đẹp ngoại hình, nội tâm, về đức hạnh, sự tháo vát, tài thu vén, họ xếp đặt êm ấm cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình.
"Mùi đu đủ xanh" nói về vẻ đẹp ở rất nhiều khía cạnh ẩn chứa và hiển hiện trong hình ảnh người phụ nữ, còn tác phẩm "Chân dung Madam Phương" là một biểu tượng hội tụ những thông điệp ấy, rằng phụ nữ chính là người đưa lại vẻ đẹp và sức mạnh cho đời sống.
"Mùi đu đủ xanh" nói về vẻ đẹp ở rất nhiều khía cạnh ẩn chứa và hiển hiện trong hình ảnh người phụ nữ.
Trailer phim "Mùi đu đủ xanh" (1993)
Bán đi bộ tứ siêu phẩm của mỹ thuật Việt, thu về 130 tỷ đồng
Bức tranh lụa "Trò chuyện", thực hiện bởi họa sĩ Vũ Cao Đàm.
3 siêu phẩm hội họa còn lại trong bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil có bức tranh lụa "Trò chuyện", thực hiện bởi họa sĩ Vũ Cao Đàm hồi thập niên 1940, tác phẩm có kích thước 46 x 55cm. Giá ước đạt ban đầu ở mức từ 2 - 3 triệu đô la Hồng Kông. Mức giá thực tế mà tác phẩm vừa đạt được hồi cuối tuần qua là 4.284.000 đô la Hồng Kông (tương đương 12,7 tỷ đồng).
Bức "Cô gái làm thơ" của họa sĩ Mai Trung Thứ.
Bức "Cô gái làm thơ" của họa sĩ Mai Trung Thứ, một tác phẩm tranh lụa thực hiện hồi năm 1943, kích thước 73 x 50,3 cm có mức giá ước đạt ban đầu từ 3,2 tới 4 triệu đô la Hồng Kông. Tại cuộc đấu giá, tác phẩm đã đạt 6.225.000 đô la Hồng Kông (tương đương 18,5 tỷ đồng).
Bức tranh sơn mài kích thước 104,5 x 183cm của họa sĩ Phạm Hậu.
Bức tranh sơn mài kích thước 104,5 x 183cm của họa sĩ Phạm Hậu có tên "Cảnh ngôi chùa cổ ở miền bắc Việt Nam" có mức giá ước đoán ban đầu từ 3,2 - 4 triệu đô la Hồng Kông. Giá đạt được tại cuộc đấu giá lên tới 8.040.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 24 tỷ đồng).
Những con số đạt được tại cuộc đấu giá đều vượt qua mức giá ước đoán ban đầu của nhà đấu giá, điều đó cho thấy sức hấp dẫn của các tác phẩm được thực hiện bởi những họa sĩ tiên phong mở đường cho hội họa hiện đại Việt Nam. Nét chung của bộ tác phẩm này chính là vẻ đẹp của sự hoài nhớ.
Bà Dothi Dumonteil và chồng của bà - ông Pierre Dumonteil đã sở hữu những tác phẩm này qua những năm tháng sưu tầm tranh. Bà Dothi Dumonteil đã chuyển tới Pháp sinh sống từ khi còn nhỏ và sau này có thời kỳ bà làm người mẫu cộng tác với nhà thiết kế Yves Saint Laurent. Bà đặc biệt quan tâm tới hội họa nên đã đồng sáng lập nên triển lãm nghệ thuật Galerie Dumonteil.
Nhà đấu giá Sotheby đánh giá trong những năm gần đây, tranh Việt đang lên ngôi trên thị trường mỹ thuật quốc tế, thị trường đang dành sự quan tâm lớn cho mỹ thuật Việt Nam, mức giá trả cho các tác phẩm của họa sĩ Việt đang không ngừng gia tăng.
Bích Ngọc
Theo Sotheby