Lo thương lái bỏ tiền cọc
Từ sau tết nguyên đán đến nay giá lúa vụ đông xuân 2019 ở miền Tây liên tục giảm giá. Nhiều hộ nông dân được thương lái đặt cọc mua lúa từ tháng 12 với giá 5.600 -5.700đồng/kg lúa nhưng đang đứng ngồi không yên vì không liên hệ được với thương lái.
Ông Nguyễn Văn Phụng – xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, cho biết: “Như mọi năm vào thời gian này, thương lái đi tìm lúa mua sẽ không còn, bởi họ đã đặt cọc từ tháng 10 -11 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay nông dân mỏi cổ chờ thương lái; còn số nông dân đã được thương lái đặt cọc thì gọi điện thoại cháy máy cũng không thấy đến lấy lúa”.
Hiện nay giá lúa tại đồng bằng sông cửu long có tặng nhẹ từ 50 - 100đồng/kg nhưng nông dân vẫn khó bán lúa
Nông dân Nguyễn Văn Chín – xã Đồng Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nói: “Tôi làm 3ha lúa cao sản, được thương lái đến đặt cọc từ tháng 11 với giá 5.700đồng/kg. Nhưng mấy ngày qua tôi liên hệ với thương lái họ cứ bảo từ từ khi nào lúa chín cho hay. Nhưng hai ngày qua, gọi điện thoại không liên lạc được, tôi lo quá”.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kêu gọi các DN tổ chức triển khai mua lúa cho nông dân theo cơ chế thị trường, giá lúa có nhích lên từ 50 - 100đồng nhưng nông dân vẫn khó bán lúa.
Đối với những hộ dân sắp có lúa thu hoạch, bà con lo lắng vì không bán được lúa. Khi đó, không có chỗ phơi lúa và chứa lúa; tiền phân thuốc phải nợ lại với lãi suất cũng khá cao
Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang: “Hiện nay chưa có thông tin chính thức nhưng người dân cũng lo ngại khi giá lúa xuống quá thấp thì một số doanh nghiệp sẽ chấp nhận bỏ tiền cọc để không thu mua như hợp đồng. Một số doanh nghiệp này không bao tiêu đầu tư toàn bộ mà chỉ ký hợp đồng đặt cọc 500 ngàn đồng – 1 triệu đồng/ha để thu mua lúa với dân nên cả chính quyền lẫn người dân lo ngại những doanh nghiệp này sẽ bỏ cọ
Kêu gọi DN tổ chức mua lúa “cứu” nông dân
Theo Sở NN&PTNT nhiều tỉnh ở miền Tây cho biết, nếu tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích lúa thu hoạch trên địa bàn mỗi tỉnh giao động từ 10 -15% trên tổng số diện tích gieo sạ. Vào đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 là thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Nếu thời gian này, không có những biện pháp căn cơ từ ngành nông nghiệp, công thương, giá lúa sẽ bất lợi cho nông dân.
Cụ thể, tại tỉnh An Giang, theo Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá thu mua lúa trên địa bàn An Giang đang có xu hướng giảm từ 200-800 đồng/kg so với tuần trước Tết Nguyên đán và giảm từ 1.000 -1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Nhưng hiện tại, chỉ mới thu hoạch khoảng 10% trên tổng số diện tích gieo trồng.
Nhiều tình ở miền Tây đã họp bàn tìm giải pháp thu mua lúa cho nông dân
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính sớm ban hành cơ chế, chính sách thu mua tạm trữ và có chính sách cho các doanh nghiệp vay vốn thu mua tạm trữ nhằm tăng cường hỗ trợ việc tiêu thụ lúa Đông Xuân 2018-2019 trong dân, hạn chế giảm giá khi thu hoạch rộ.
Còn tại Kiên Giang, theo phản ánh của nhiều nông dân ở tỉnh này, sau tết nguyên đán, thương lái tìm đến các ruộng lúa đặt tiền cọc trước để tranh mua lúa đông xuân trong dân thì hiện nay đã vào vụ thu hoạch nhưng không thấy thương lái đến mua như mọi năm và giá lúa xuống rất thấp, thấp hơn năm ngoái từ 500 -1.000đồng/kg khiến người dân rất hoang mang.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Phòng nông nghiệp huyện Tân Hiệp đã phối hợp với Công ty xuất nhập khẩu Yến Đăng, cam kết thu mua 27.000ha lúa chưa được bao tiêu của huyện với giá từ bằng hoặc cao hơn thị trường.
Liên quan vấn đề giá lúa giảm, sáng ngày 22/2, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức họp bàn với các DN, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang để tìm ra giải pháp thu mua lúa cho nông dân
Tại huyện Giồng Riềng, 2 ngày nay giá lúa đã nhích nhẹ lên từ 100 – 150đồng/kg. Năm nay do lúa thị trường đầu vụ rất có giá nên người dân không chịu ký bao tiêu với doanh nghiệp, đến khi giá lúa xuống, nông dân gặp khó khi bán.
Ông Trần Ngọc khải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Giồng Riềng cho biết: “Hiện nay huyện đang bước vào thu hoạch rộ nên để ngăn chặn tình trạng o ép giá, phòng sẽ chủ động mời các doanh nghiệp thu mua lúa đến địa bàn để họp bàn tìm giải pháp thao gỡ khó khăn trước mắt cho người nông dân và tìm tiếng nói chung để hợp tác vụ tiếp theo, tránh tình trạnh tương tự như hiện nay”.
Được biết, toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch được khoảng 50.000ha/289.000ha. Năm nay có khoảng 15 doanh nghiệp tham gia bao tiêu khoảng 20% diện tích.
Hiện này, UBND nhiều tỉnh ở miền Tây đã tổ chức họp bàn với các DN, ngân hàng để bàn giải pháp, đây nhanh tiến độ thu mua lúa cho nông dân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần xem lại việc các DN được giao chỉ tiêu thu mua lúa gạo cho người dân hiện nay thực hiện ra sao hoặc các DN được ưu đãi vay tiền để thu mua lúa gạo nhưng có sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích?
Nguyễn Hành