Fica
  1. Đời Sống

Gia Lai: "Lạ" với vị chôm chôm Ia Tô

Bài lấy lại
Bài lấy lại

“Vườn chôm chôm này tôi đã trồng được hơn 10 năm, trong vườn có khoảng 40 gốc thôi nhưng một năm cũng thu về được hơn 70 triệu đồng. Trung bình, một cây trong vườn có thể thu về khoảng 2 tạ và mỗi kg sẽ có giá từ 18.000 – 22.000 đồng".

Mãn nhãn với vườn chôm chôm trĩu cành trên vùng “đất sỏi”

Vào đầu tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, mọi người dân trong và ngoài tỉnh lại ghé thăm những vườn chôm chôm trĩu quả trên vùng đất sỏi xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Theo chân những thực khách về huyện biên giới, chúng tôi được mãn nhãn khi nhìn thấy những vườn chôm chôm sai trĩu quả từ gốc đến ngọn.

Những người dân bản địa cho biết, xưa kia đây là vùng đất khắc nghiệt bởi thổ nhưỡng chỉ là đất pha sỏi. Nhiều người dân đã trồng các cây công nghiệp nhưng cũng cho thu nhập không cao, sau đó đã có một số người đưa loại chôm chôm Thái và thường về trồng.

Lạ thay, cây chôm chôm phát triển trên vùng đất sỏi này rất tốt mà không hề cần phân bón gì. Điều đặc biệt hơn, cũng một loại giống nhưng chôm chôm trồng ở vùng Ia Tô này lại cho quả ngọt tự nhiên, giòn và dễ lóc hạt.

Thấy vậy, nhiều xã, huyện lân cận cũng đưa về trồng nhưng cũng không cho được vị ngọt, giòn như ở vùng Ia Tô. Khi mua chôm chôm, thương lái cũng sẽ mua chôm chôm Ia Tô cao hơn so với các xã khác.

Vườn chôm chôm trĩu quả trên vùng đất sỏi đá

 

Không chỉ ngọt, giòn mà chôm chôm ở xã Ia Tô còn khá năng suất, bà Nguyễn Thị Tường (79 tuổi, trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai) phấn khởi nói: “Vườn chôm chôm này tôi đã trồng được hơn 10 năm, trong vườn có khoảng 40 gốc thôi nhưng một năm cũng thu về được hơn 70 triệu đồng. Trung bình, một cây trong vườn có thể thu về khoảng 2 tạ và mỗi kg sẽ có giá từ 18.000 – 22.000 đồng. Có thể nói, đối với cây chôm chôm vùng Ia Tô chỉ ưa phân hữu cơ, phân chuồng, nếu ai chăm bón như vậy sẽ cho ra những quả ngọt thanh, giòn”.

Được biết, trước đây trên địa bàn thôn 6 (xã Ia Tô) chủ yếu là trồng cà phê, tuy nhiên sau một thời gian năng suất kém và công cán quá nhiều nên mọi người chuyển sang trồng xen cây chôm chôm. Sau khi biết, cây chôm chôm thích hợp với vùng đất sỏi đá cùng khí hậu tại đây thì chính quyền xã Ia Tô đã khuyến khích người dân trồng xen loại cây này để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.

Chôm chôm Ia Tô luôn có vị đặc biệt, ngọt thanh và dễ lóc hạ

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1990, trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết: “Năm ngoái mình mới mua vườn này, vườn này chỉ khoảng 51 gốc thôi nhưng quả rất nhiều, khi chín chôm chôm ở đây rất ngọt và giòn khác với chôm chôm ở xã kế bên. Thực ra hai vợ chồng mới chăm sóc nhưng nhận thấy quá trình chăm sóc khá dễ. Theo đó, khi cây ra hoa mình nuôi ong mật ngay dưới gốc cây để ong thụ phấn luôn cho cây. Cây chôm chôm không cần quá nhiều nước vì nhiều nước quá chôm chôm sẽ nhạt hơn. Nếu muốn sai quả mình cần tạo độ thoáng mát cho cây…”.

Tương tự đối với gia đình cô Võ Thị Hoa (thôn 6, xã Ia Tô) chỉ trồng có 19 gốc chôm chôm, tuy nhiên cô Hoa đã thu về 4-5 tấn/ mùa.

“Cứu cánh” cho bà con với cây thoát nghèo

Ông Trịnh Viết Hùng – Phó Chủ tịch xã Ia Tô cho biết: “Trên địa bàn xã Ia Tô hiện tại có trồng khoảng 40ha diện tích cây chôm chôm. Hiện tại, người dân đang trồng và chăm sóc theo kiểu tự phát, truyền thống. Theo khảo sát, 1ha thì sẽ cho thu hoạch khoảng 30 tấn/năm và thu nhập của bà con khoảng 600 triệu/năm từ cây chôm chôm này. Tuổi thọ trung bình kéo dài lên đến 20 năm. Theo đó, sau khi nhận thấy chôm chôm mang lại hiệu quả kinh tế cao thì chính quyền xã đang dần khuyến khích bà con dần chuyên canh và trồng xen cây chôm chôm theo mô hình chôm chôm sạch”.

Tuy là sản vật của vùng sỏi đá, nhưng bà con vẫn chưa tìm được đầu ra bền vững

 

“Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu chôm chôm Ia Tô và có định hướng phát triển chuỗi liên kết để hình thành lên hợp tác xã cây chôm chôm. Vừa đảm bảo đầu ra ổn định và có thể đem đi quảng bá loại cây đặc sản với các tỉnh khác. Bên cạnh đó, hàng tháng chúng tôi cũng đang mở ra các lớp tập huấn chăm sóc chôm chôm theo cách thức hiện đại hơn để đem lại năng suất cao hơn”, ông Hùng cho biết thêm.

Với những tiềm năng sẵn có mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng thì chính quyền huyện, xã đã tạo mọi điều kiện cho bà con trồng vùng chuyên canh chôm chôm.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Bí thư Huyện Ia Grai cho hay: “Nông dân hiện tại đã phát triển tự phát nhỏ lẹ, manh mún. Điều tất yếu sẽ rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” và bị thương lại ép giá, khiến bà con lại rơi vào vòng luẫn quẫn. Chính vì vậy, huyện đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo xã, doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng thành lập ra hợp tác xã chôm chôm trên vùng Ia Tô này. Cùng với sự liên kết của các doanh nghiệp và người dân sẽ đưa được loại đặc sản của mảnh đất Ia Tô này vào hệ thống siêu thị”.

Vì chôm chôm Ia Tô chưa được quảng bá rộng nên nhiều vị khách đã vượt hàng chục Km để thăm và mua chôm chôm ở đây

“Hiện chúng tôi cũng đang liên hệ với hệ thống siêu thị tại TPHCM và các doanh nghiệp. Nhưng thách thức đặt ra là phải tạo dựng thương hiệu và xây dựng được quy định nghiêm ngặt trong khâu chọn đến bảo quản sản phẩm và vào đến tay người tiêu dùng loại chôm chôm đúng vị của Ia Tô nhất. Các bước tiến hành đã được chính quyền triển khai, nhằm kịp thời giúp người dân tiêu thụ vào mùa chôm chôm năm sau. Qua đó giúp bà con sẽ yên tâm trong khâu chăm sóc, tạo tiền đề cho xây dựng thương hiệu chôm chôm sạch trên vùng sỏi đá này…”, ông Quế cho biết thêm.

Phạm Hoàng

Tin liên quan
Giá vàng bất ngờ lập đỉnh mới

Giá vàng bất ngờ lập đỉnh mới

Phiên giao dịch hôm nay (25/1, tức mùng 4 Tết), giá vàng miếng trong nước tăng vọt, vượt 68 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới liên tiếp tăng và đạt mức cao nhất trong 9...
Hàng giả, nhái tung hoành dịp cận Tết

Hàng giả, nhái tung hoành dịp cận Tết

Những lọ mỹ phẩm từ nước hoa, sơn móng tay, dầu gội đến các loại bánh kẹo mứt đổ đống ở vỉa hè được quảng cáo “hàng xách tay” với giá chỉ vài chục ngàn đồng/món đổ bộ tại nhiều...