Luyện vạn con tằm tự dệt chăn tơ
Cách đây khoảng 3 năm, tại một hội chợ về làng nghề thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở trung tâm Hà Nội, bà Phan Thị Thuận - nghệ nhân và là chủ doanh nghiệp tằm tơ Mỹ Đức (Hà Nội) - khiến cả hội chợ ngạc nhiên với mô hình hàng vạn con tằm đang chăm chỉ tự dệt chăn tơ .
Khi ấy, bà Thuận kể rằng, sản phẩm chăn bông, áo bông tơ tằm tự dệt của bà bắt đầu có từ năm 2010, song đến 2012 mới bán ra thị trường. Để làm ra được những sản phẩm này, bà phải huấn luyện những con tằm tự dệt chăn tơ.
Ý tưởng tự cho tằm tự dệt chăn tơ nảy ra khi nhiều lần bà ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào. Từ đó, bà so sánh rằng rõ ràng, con tằm dệt ra cho mình một chiếc vỏ bền chặt mà không kỹ thuật dệt tay nào của con người có thể đạt được. Vậy tại sao không biến con tằm thành những công nhân tự dệt nên những tấm chăn tơ cho mình.
Bà Thuận là người đầu tiên huấn luyện hàng vạn con tằm tự dệt chăn tơ
Bắt tay vào thử nghiệm, bà gặp không ít khó khăn. Tằm nhả tơ một cách tự do, vài chục con không có nơi bấu víu nên cứ bò lung tung theo bản năng. Lúc đó, bà lại phải tự tay bắt về, sắp xếp chúng vào đúng vị trí. Cứ thế, bà kiên trì ngồi bắt từng con, cộng với chức năng buộc phải nhả tơ khi đến kì như người đau đẻ, nên không còn cách nào khác tằm đành phải nhả tơ vào không gian.
Vậy là hàng ngàn, hàng vạn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp. Bà Thuận bật mí, vào mùa thu, một con tằm chứa trong bụng khoảng 400-450m tơ, còn vào mùa hè thì tằm chứa trong bụng khoảng 300m tơ. Từ đó, bà tính toán khoảng cách thích hợp để cho con tằm vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau. Tơ con này cuốn vào con kia sẽ đan thành các lớp lang dày như những chiếc kén được cán phẳng. Khi hết chu kỳ nhả tơ cũng có nghĩa là đã hoàn thành sản phẩm...
Sau khi những con tằm tự rút ruột nhả hết tơ thì tấm chăn cũng hoàn thành
Cầm chiếc chăn bông tơ tằm tự dệt trên tay, bà khoe: Chăn bông tơ tằm được tính theo kg, mỗi kg giá 4 triệu đồng. Một chiếc chăn nặng 2 kg có giá 8 triệu đồng, tính thêm tiền công hoàn thiện, tiền lụa nữa sẽ rơi vào khoảng 11 triệu đồng. Còn riêng với áo bông tơ tằm hiện có giá bán từ 2-3 triệu đồng/chiếc.
Cách làm độc đáo này giúp những sản phẩm tơ tằm của bà luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, thậm chí, những năm đầu tiên, bà còn từ chối bán cho đơn đặt hàng lớn của một vị khách hàng người Mỹ bởi sản phẩm chỉ đủ bán trong nước.
Tiếp tục bắt sen “nhả” tơ dệt lụa
Thành công khi huấn luyện hàng vạn con tăm chăm chỉ rút ruột tự dệt chăn tơ, đem lại khoản lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm, người nghệ nhân 65 tuổi Phan Thị Thuận lại là người đầu tiên ở Việt Nam tự mày mò để bắt những cọng sen “nhả” tợ dệt lụa bán giá đắt như vàng.
Chia sẻ về ý tưởng dệt lụa từ tơ sen, bà Thuận cho hay, cơ duyên đến với bà rất tình cờ.
Bà kể, năm ngoái, trong một lần đại biểu Quốc hội cùng với cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, một nữ đại biểu gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. Ban đầu bà thấy rất lạ, tò mò vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết, việc dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar.
Mới đây, bà Thuận tiếp tục tìm ra cách lấy tơ từ những cọng sen
Sau hôm đó, bà dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cách thức. Tự bỏ tiền túi của mình ra đầu tư mua ruộng trồng sen thử nghiệm. Thế nhưng, việc lấy sợi sen lại khó hơn gấp nhiều lần việc lấy tơ lụa truyền thống.
Không có kinh nghiệm, ở Việt Nam cũng không có ai làm để học hỏi nên thời gian đầu bà liên tục gặp thất bại. Nhiều người khuyên bà từ bỏ, nhưng sau những lỗ lực không mệt mỏi, cuối tháng 8/2017, sản phẩm lụa từ tơ sen đầu tiên của bà đã thành công. Theo đó, sợi sen được tạo ra rất mảnh, săn, hình thức đẹp và có mùi thơm đặc trưng của sen.
Theo bà, tơ sen tuy đẹp, có nhiều ưu điểm nhưng để lấy được tơ sen từ cuống sen thì cần nhiều công đoạn, đặc biệt, tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công. Ví như, cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai. Lúc lấy tơ, bà phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại.
Loại tơ sen này được bà dùng để dệt thành khăn và bán với giá vài triệu đồng mỗi chiếc
Bỏ chiếc khăn dài tới 1,7 mét lên bàn, bà Thuận cho biết, để dệt được chiếc khăn này, bà cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng.
Bà khoe, năm 2017 bà làm được 10 chiếc khăn từ tơ sen. Giá một chiếc khăn được làm bằng sợi tơ sen từ 4 đến 5 triệu đồng.
Dệt lụa từ tơ sen thành công, bà Thuận ước ngày nào đó không xa, Việt Nam cũng mở rộng được nghề này không kém gì Campuchia, Myanmar. Bởi, không chỉ có vùng nguyên liệu rộng lớn, người thợ dệt của Việt Nam còn có tay nghề rất giỏi, vê sợi tơ đều và nhanh hơn nhiều so với các nước khác.
Theo Băng Dương
VietnamNet