Cá “tiến Vua” tạo... việc làm cho nông dân
Từ nhiều năm nay, hai câu thơ “Khi đi nhớ cậu cùng cô - Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường” - đã in đậm trong tiềm thức của người Trường Yên (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh). Người Trường Yên dù có đi đâu xa nhưng mỗi khi về đến quê hương lại nhớ đến món cá rô Tổng Trường.
Loài cá rô Tổng Trường sống chủ yếu ở vùng hang động ngập nước xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.
Từ năm 2013 đến nay, cá rô Tổng Trường được UBND huyện Hoa Lư thực hiện nuôi thí điểm tại một số hộ dân trên địa bàn xã Trường Yên. Đến nay, sau nhiều năm đưa vào nuôi, loài cá đặc sản này đã cho kết quả ngoài mong đợi của chính quyền địa phương cũng như những hộ nuôi.
Ông Trần Văn Dũng có thâm niên 6 năm nuôi loài cá rô tiến Vua.
Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã cá rô Tổng Trường cho biết, hiện nay hợp tác xã đang có 11 hộ dân tham gia nuôi cá rô Tổng Trường với tổng diện tích là 7ha ao nuôi cá.
Sở dĩ có tên gọi là cá rô Tổng Trường vì loài cá này sống chủ yếu ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên (vùng đất cố đô Hoa Lư xưa). Theo truyền thuyết, xưa kia người dân địa phương khi đi làm đồng đã bắt được loài cá đặc biệt này, sau đó dâng lên “tiến Vua”. Vua ăn khen ngon nên đặt tên là cá rô Tổng Trường.
Các hộ dân tham gia nuôi cá rô đặc sản đang có thu nhập cao hơn nhiều so với nuôi các loại cá truyền thống khác.
Ông Nguyễn Minh Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết, hiện nay mô hình nuôi cá rô Tổng Trường tại địa phương đang cho thu nhập ổn định.
Các hộ nuôi đều có lãi hơn so với trước kia nuôi cá truyền thống. Tùy vào diện tích nuôi mà có hộ lãi lên đến cả trăm triệu đồng trên năm.
Ông Tương chia sẻ thêm, cũng từ nghề nuôi cá rô "tiến Vua này" mà 11 hộ dân với hơn 20 lao động nuôi cá trên địa bàn có việc làm ổn định. Bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người.
Vào vụ thu hoạch cá (thời gian khoảng 1 tháng), với số lượng cá lên đến hàng tấn, các hộ dân phải thuê thêm lao động thời vụ với công ngày từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày.
Thu lãi cả trăm triệu đồng/năm
Từng có 20 năm nuôi các loài cá nước ngọt truyền thống, ông Dũng rút ra bài học, các loài cá này khó nuôi bởi thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa, hạn hán, lụt lội nên thu nhập rất bấp bênh.
Từ năm 2013, khi địa phương có chính sách hỗ trợ nuôi cá rô Tổng Trường, ông đã mạnh dạn tham gia thực hiện thí điểm mô hình để phát triển loài cá tiến Vua này. Đến nay, ông Dũng đã có hơn 6 năm nuôi cá rô Tổng Trường.
Nhờ nuôi cá rô đặc sản tiến Vua, mỗi năm gia đình ông Dũng lãi hàng trăm triệu đồng.
“Hai năm đầu, cả huyện (đơn vị tài trợ giống và thức ăn) và các hộ dân nuôi cá đều thiếu kinh nghiệm, không nuôi tập trung mà thả cá luôn trên ruộng nên năng suất kém, may thu hồi được vốn. Hai năm tiếp theo, huyện giúp đỡ sát sao về kỹ thuật, nuôi tập trung không thả hoang nữa nên năng suất cá cao hơn” - ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, khi nuôi thành công, cá rô Tổng Trường trên thị trường còn mới và hút khách, vì thế giá bán lên tới 80.000 đồng/kg. Thấy cá dễ nuôi hơn cá truyền thống, nuôi đến đâu bán hết đến đó thu nhập cao hơn nhiều so với các loài cá truyền thống nên từ đó, ông Dũng mở rộng sản xuất, cải tạo thêm ao nuôi mỗi năm 2 vụ cá rô Tổng Trường.
Lứa cá nuôi từ tháng 2 âm lịch năm nay với tổng số 11 vạn cá rô giống, gia đình ông đã xuất bán hết từ tháng 6 âm lịch với tổng sản lượng thu hoạch được trên 4 tấn cá, giá thành khoảng 60.000 đồng/kg, gia đình ông thu về trên 240 triệu đồng; trừ hết chi phí lãi trên 120 triệu đồng.
Cá rô Tổng trường từ khi nuôi đến khi thu hoạch mất 6 tháng, mỗi con cá trưởng thành nặng từ 1 - 1,5 lạng.
Sau khi thu hoạch xong lứa cá đầu, hiện nay gia đình ông Dũng đang thả lứa cá thứ hai trong năm với khoảng 15 vạn cá rô giống. Ông cho biết, vào mùa khô, mùa rét, cá rô Tổng Trường sinh trường và phát triển kém hơn so với chính vụ (tháng 2 âm lịch đến tháng 6 âm lịch), lại hay mắc bệnh chết nhiều vì thế năng suất cũng kém hơn.
Với khoảng 15 vạn con cá giống, sau hơn 2 tháng nuôi đến nay cá đang phát triển tốt, đến khi thu hoạch cũng ước đạt hơn 4 tấn cá thịt và cho lãi với số tiền như trên.
Không chỉ gia đình ông Dũng mà nhiều gia đình khác cũng "đổi đời" nhờ nuôi thành công loài cá rô Tổng Trường.
Chia sẻ về cách nuôi loài cá rô tiến Vua này, ông Dũng tâm sự, khi nhận cá giống về thả, cá con chỉ to bằng hạt bưởi, sau đó được nuôi tập trung trong ao bé để tiện theo dõi và chăm sóc. Thời điểm này đến khi cá được 20 ngày nuôi sẽ cho ăn cám hạt nhỏ, sau 20 ngày thì thả ra ao lớn.
“Thời gian đầu thức ăn chủ yếu của cá là cám, hết 2 tháng đầu tập cho cá ăn thêm lúa. Đến lúc gần bán thì chỉ cho ăn lúa không để cho thịt cá săn chắc, dai và thơm ngon. Bình quân nuôi được 1 tấn cá thương phẩm sẽ tiêu thụ hết 2 tấn cám và lúa. Mỗi con cá khi bán ra thị trường đạt trọng lượng 1 - 1,5 lạng/con” - ông Dũng chia sẻ.
Giám đốc Hợp tác xã cá rô Tổng Trường nói thêm, loài cá rô Tổng Trường có ưu điểm là sống khỏe nên nguồn nước có độ chua, độ PH cao hay nước không được sạch sẽ như nước nuôi cá truyền thống khác thì loài này vẫn sống tốt.
Cá rô Tổng Trường là món ăn đặc sản ở Ninh Bình được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Rang muối, kho, bánh đa cá rô, nấu canh cải hay canh hẹ...
Ở khu vực núi đá Trường Yên, nước vào mùa đông ấm hơn nên thuận tiện cho cá sinh trưởng và phát triển hơn các vùng khác.
Các rô Tổng Trường có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nổi tiếng ở Ninh Bình như: Rang muối, om mẻ, nấu canh lá hẹ, canh cải, nướng, kho... Các món ăn từ cá rô Tổng Trường đều rất nhiều đạm và can-xi, người lớn trẻ con đều có thể ăn được món đặc sản này.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết thêm, hiện cá rô Tổng Trường của Trường Yên đã được bảo hộ độc quyền sản phẩm. “Đây là thực phẩm đặc sản của vùng đất cố đô Hoa Lư, thời gian tới địa phương sẽ khuyến khích người dân đầu tư mở rộng sản xuất để nuôi nhiều hơn nữa loài cá tiến Vua này, ngoài tăng thêm thu nhập còn góp phần quảng bá đặc sản, đặc trưng cho du lịch Ninh Bình”.
Cá rô Tổng Trường có thịt béo, thơm, dai, ngon, nhiều đạm và can-xi, ít tanh… vì thế đã được đưa vào chương trình bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch ở Ninh Bình. Từ đó, loài cá rô này được nhân giống để phát triển trở thành loại cá có giá trị thương phẩm cao, trở thành đặc sản ẩm thực của Ninh Bình.
Thái Bá