Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 121 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (virus gây bệnh dịch Covid-19).
Con số này thấp hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người cho dù nước ta vốn có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh vì chung đường biên giới với quốc gia bùng phát dịch đầu đầu tiên, dân số đông đúc gần 100 triệu người...
Để có kết quả tốt trong kiềm chế dịch bệnh như vậy, toàn bộ hệ thống chính trị, quân đội, y tế và người dân đang cùng chung lưng đấu cật trong một chiến dịch với quy mô chưa từng thấy trong lịch sử.
Đã có rất nhiều sự hi sinh thầm lặng trong chiến dịch chống lại đại dịch Covid-19 này. Có những vị bác sĩ, y tá từ Tết đến nay chưa từng về nhà, luôn xung kích ở tuyến đầu chữa trị cho người bệnh.
Có những người lính tự nguyện nhường giường ngủ của mình cho những người cần phải cách ly, trong khi các anh căng lều bạt ngủ dưới nền đất lạnh lẽo.
Có những bạn sinh viên nửa đêm vội vàng thu dọn hành lý, nhường lại phòng ở ký túc xá mà chẳng một lời oán thán...
Tất cả những sự hi sinh này là nhằm bảo vệ sức khỏe của toàn dân, vì không để ai bị bỏ lại phía sau, không muốn ai mất đi tính mạng.
Hình ảnh giấc ngủ "màn trời chiếu đất" của những người làm công tác phòng phống dịch bệnh Covid-19 bên ngoài ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (Ảnh: N.N)
Chứng kiến hoàn cảnh của nước nhà hiện tại, đa phần người dân hiểu rõ mình phải làm gì. Người có tiền giúp tiền, người có vật chất giúp vật chất, có ý tưởng giúp ý tưởng...
Bằng chứng là chỉ sau vài ngày phát động toàn dân ủng hộ chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được hàng trăm tỷ đồng quyên góp, chưa kể số hiện vật rất lớn gồm trang thiết bị y tế, khẩu trang, nhu yếu phẩm...
Dẫu vậy, đâu đó trong chiến dịch cả nước đồng lòng của chúng ta vẫn còn một vài con sâu làm rầu nồi canh. Đơn cử là một số trường hợp từ chối hợp tác với chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh; trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 không khai báo thành khẩn, gian dối hoặc không chấp hành cách ly. Những trường hợp này sẽ được pháp luật xử lý nghiêm minh.
Còn những cá nhân phô bày thói ích kỷ, vô cảm cũng đang phải đối mặt với "búa rìu" dư luận.
Một vài du học sinh về quê hương tránh dịch Covid-19 sử dụng mạng xã hội để chê bai điều kiện sống cách ly là "quá sức chịu đựng", là "khủng khiếp".
Từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó gần 100.000 từ Mỹ và châu Âu. Trong ảnh là cảnh người dân chờ lên xe về nơi cách ly sau khi xuống sân bay.
"Không thể sống nổi luôn á. Như này quá sức chịu đựng của mình rồi mọi người ơi. Wifi không có, không có cái gì hết.
Mọi người làm ơn đặt trường hợp đang sống ở một nơi gọi là sạch sẽ đi. Xong về ở như thế này thì cảm thấy như thế nào". Đây là lời bình luận của một nữ du học sinh trở về từ Canada về nơi cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.
Sau khi nữ sinh này chia sẻ nhận xét của cô trên mạng xã hội, cô chẳng những không được đồng cảm mà ngược lại chịu sự lên án, chỉ trích của cộng đồng mạng.
"Về nước cách ly thì nên cảm thấy biết ơn những người đã vì mình mà có được chỗ ở của bạn, chứ không phải ngồi đó mà chê bai", tài khoản A.T đáp lại.
"Lẽ ra bạn nên ở yên một chỗ trong tình hình này thay vì chạy loạn để rồi chịu hoàn cảnh sống không như ý", tài khoản T.K.N nói. "Nhiều bạn sinh viên đã phải dọn đồ ngay trong đêm để nhường nơi ở cho bạn đó bạn ơi, hãy biết ơn", tài khoản H.R viết.
Trước áp lực "ném đá" của cộng đồng mạng, nữ du học sinh này đã khóa trang cá nhân, mất tích khỏi mạng xã hội.
Du học sinh chê bai điều kiện sống ở khu cách ly là khủng khiếp sau đó đã lên tiếng xin lỗi.
Trường hợp một du học sinh khác trở về từ Mỹ từng chê bai phòng phòng cách ly tại ĐH Quốc gia TP.HCM đã lên tiếng xin lỗi, nhận sai. Cô viết:
"Em thật sự xin lỗi mọi người vì up story trường như vậy, em không hề có ý chê bai gì cả đâu ạ. Em đã không nghe đúng thông tin cụ thể của mấy bạn đồn rằng hình như trường bị bỏ hoang lâu năm mà lúc em tới thì chỗ ở thật sự không sạch, đồ đạc còn bừa và bám bụi rất nhiều như đã lâu không có người ở. Nên em mới nghĩ tòa này bỏ hoang chứ không biết các anh chị đã phải nhường phòng và trường vẫn hoạt động".
Và một nữ du học sinh từ Pháp trở về đã nhận không ít "gạch đá" từ cộng đồng mạng bởi vì hỏi cách trốn cách ly tập trung sau khi đã về nước 12 ngày hay không.
Hàng trăm bình luận của các du học sinh khác cũng như bạn bè trong và ngoài nước đều đưa ra lời khuyên bằng nhiều cách mềm mỏng và cứng rắn yêu cầu cô gái phải chấp hành lệnh cách ly.
"Họ cách ly nhưng có phân loại bạn à. Đi cách ly đi, hãy trở thành 1 công dân tốt", Tài khoản N.Đ.L viết. "Bệnh nhân số 17 đi từ vùng dịch về cũng tự cách ly và sau đó như thế nào thì ai cũng biết rồi đó ạ", T.L.N trả lời.
"Mình thay mặt công dân trong nước và cả ngoài nước, van xin bạn đi cách ly giùm thì có được không? Làm ơn, hãy làm người tử tế. Cám ơn bạn nhiều!", Nhung Nguyen viết.
Trên đây chỉ là 3 trường hợp vô cùng thiểu số trong số hàng hàng ngàn hàng vạn du học sinh trở về quê hương trong vài ngày qua hòng tránh cơn lốc dịch bệnh đang hoành hành trên toàn thế giới.
Ngược lại với thiểu số này, đa phần các bạn du học sinh là những người hiểu biết thời cuộc, thấu cảm với sự nỗ lực của đất nước trong cuộc đấu tranh với dịch bệnh Covid-19.
Nữ du học sinh truyền cảm hứng với câu chuyện về sự tử tế và lòng biết ơn trong hành trình từ Hà Lan trở về Việt Nam.
Du học sinh Halsey Nguyen là một trong số đó. Cô đã truyền cảm hứng sống tới 54.000 người bằng cách chia sẻ câu chuyện về chuyến đi "bão táp" từ Rotterdam (Hà Lan) trở về Hà Nội. Cô đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, lòng tốt trong suốt hành trình của mình và biết ơn về điều đó.
Halsey viết: "Chuyến của mình là chuyến bay cuối cùng của Qatar thoát khỏi vùng biên giới Châu Âu để trở về Việt Nam. Một chuyến bay bão táp với vô vàn niềm hi vọng lẫn sự biết ơn của những người con xa quê. Trong đây còn cả sự giúp đỡ miễn phí vô cùng đáng yêu từ các chú bộ đội lẫn hãng bay. Mình may mắn, và thực sự rất rất biết ơn!".
Halsey đang được cách ly tại doanh trại thuộc Binh đoàn 11. Điều kiện sống nơi đây đơn giản, không có các thiết bị công nghệ giải trí, không điều hòa, tủ lạnh... nhưng ắp tình người và sự sẻ chia.
Cô cho biết rằng các bạn du học sinh, đồng bào từ nước ngoài trở về rất đông, mọi người tranh thủ nâng cao sức khỏe bằng các bộ môn thể thao.
Cùng được cách ly ở cơ sở tập thể, quân đội, hai người nổi tiếng là người mẫu ảnh Châu Bùi, siêu mẫu Hoàng Yến... cũng tỏ ra thoải mái, thích nghi nhanh chóng với môi trường sống mới.
Người mẫu Châu Bùi sau khi hết hạn 14 ngày cách ly còn quay trở lại tặng quà, cảm ơn các nhân viên y tế và chiến sĩ bộ đội đã chăm sóc cô.
Người mẫu ảnh Châu Bùi tặng 140 chiếc quạt và 1.000 chai nước rửa tay tới Bệnh viện dã chiến Chủ Chi - nơi cô đã hoàn thành trách nhiệm xã hội cách ly 14 ngày như hàng ngàn công dân khác.
Chúng ta hiểu rằng việc thay đổi môi trường sống đối với bất kỳ ai cũng là điều bất tiện, nhưng liệu rằng sự bức xúc có làm ta vô can, tố khổ có giải quyết được vấn đề? Hay chỉ mang đến thêm sức ép cho những người vốn đã quá mệt mỏi vì đang gồng gánh trách nhiệm giữ cho nhân dân được bình an?
Pháp luật không thể xử phạt "tội vô ơn" hay "thói ích kỷ", nhưng dư luận thì có thể. Đạo đức và tình người là thứ mà dân tộc ta đã vun đắp biết bao đời nay. Đó là thứ mà trường học trên khắp thế giới này có thể không đưa vào giáo trình nhưng mỗi chúng ta đều cần phải học.
Hãy nhớ rằng khi bạn đang cảm thấy khó chịu vì chiếc giường tầng cứng nhắc, những chiến sĩ mặc bộ đồ bảo hộ cần mẫn phục vụ bạn, các y bác sĩ đã lâu chưa tròn giấc ngủ. Họ đặt niềm riêng sang một bên, vì bạn.
Mai Châm