Fica
  1. Đời Sống

Du học sinh 9X bỏ lương nghìn USD về quê chế biến nông sản sạch

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trở về từ Singapore với tấm bằng giỏi, Lê Minh Cương làm việc cho một doanh nghiệp với mức lương nghìn USD. Thế nhưng, sau 2 năm, chàng trai quyết định về quê nuôi giấc mơ chế biến nông sản sạch.

Khát vọng chế biến nông sản sạch

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Singapore chuyên ngành du lịch, Lê Minh Cương (SN 1992, thành phố Thanh Hóa) trở về TPHCM và làm cho một doanh nghiệp nước ngoài.

Thời điểm đó, Cương được trả mức lương 1.000 USD/tháng. Dù vậy, chàng trai trẻ vẫn luôn đau đáu ước mơ nghiên cứu, chế biến ra loại thực phẩm sạch, mang thương hiệu quê hương. Ước mơ này đã nhen nhóm từ khi Cương còn đang du học ở nước ngoài.

Du học sinh 9X bỏ lương nghìn USD về quê chế biến nông sản sạch - 1

Lê Minh Cương chia sẻ về ước mơ chế biến nông sản sạch.

"Trong thời gian du học bên Singapore, mình có đi du lịch các nước xung quanh và nhận thấy nông sản của họ rất đẹp, tinh tế và chất lượng. Trong khi, đặc sản Việt Nam rất nhiều nhưng chưa được cải tiến về mẫu mã, chất lượng nên nông sản Việt Nam ít có cơ hội trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở các nước phát triển. Vì thế, mình mong ước nông sản và sản phẩm chế biến sâu từ mảnh đất quê hương sẽ vươn ra thế giới, trong đó có gia vị truyền thống", Lê Minh Cương chia sẻ.

2 năm sau khi ra trường, Cương quyết định rời Sài thành, từ bỏ mức lương nghìn đô về Thanh Hóa và đến các vùng quê để nghiên cứu. Cương bắt đầu thực hiện ước mơ của mình bằng sản phẩm từ quả gấc như nước ép gấc, dầu gấc.

Thế nhưng, con đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Chàng trai trẻ sau 3 năm trải nghiệm đã thất bại. Sản phẩm không có thị trường, kỹ thuật công nghệ kém, vốn ngày càng thiếu hụt, cơ sở buộc phải đóng cửa, 20 công nhân thất nghiệp, số nợ lên đến tiền tỷ là những bài học đắt giá cho Cương.

Du học sinh 9X bỏ lương nghìn USD về quê chế biến nông sản sạch - 2

Trực tiếp đi đến các đồng quê để nghiên cứu tìm sản phẩm.

Không nản chí, không từ bỏ đam mê và hoài bão, Cương mất một năm để lấy lại cân bằng, tiếp tục lao vào tìm nguyên nhân thất bại. Chàng trai liên hệ với tổ chức PUM của Hà Lan - đây là tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ để học hỏi kinh nghiệm, ý tưởng.

Lần đầu thất bại với sản phẩm từ quả gấc, chàng trai trẻ từng phải đi bán nước cam dạo, muối dưa, nấu chè… đi ship hàng khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống và trả lương cho những người ở lại.

Lê Minh Cương bộc bạch, vào mùa đông năm 2019, anh về quê, thấy ớt rất nhiều, chất lượng mà không ai mua.

"Lúc cháu mình ăn tương công nghiệp, mình mới nghĩ ra ý tưởng thử làm tương ớt. Mình mày mò trên mạng xem ông bà ngày xưa làm như thế nào, rồi điều chỉnh phù hợp khẩu vị bây giờ và cố gắng tận dụng tất cả nguyên liệu là nông sản địa phương như ớt, tỏi, giấm, dứa", anh kể.

Sau 47 lần thí nghiệm, anh cho ra đời sản phẩm tương ớt mang đặc trưng riêng và quyết định khởi nghiệp lại lần nữa.

Để đảm bảo an toàn hơn, anh dùng chai thủy tinh. Anh nói điều này hơi lạ lẫm với mọi người nhưng lại khá thông dụng ở phương Tây vốn quen ăn tương ớt lên men. Khó khăn ban đầu trong lần khởi nghiệp này chính là xoay xở vốn và nghiên cứu cách bảo quản ớt, cuối cùng mọi thứ đều được tháo gỡ.

Hài lòng với sản phẩm tương ớt mà mình nghiên cứu, lần đầu tiên Cương cho ra đời 4.000 chai và nhanh chóng bán hết. Đến tháng 3/2020, Cương chính thức thành lập công ty với 4 lao động chính, tăng lên 12-15 lao động vào 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm, mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Du học sinh 9X bỏ lương nghìn USD về quê chế biến nông sản sạch - 3

Ban đầu chàng trai trẻ gặp khó khăn trong việc bảo quản nguyên liệu.

Để chủ động được nguồn nguyên liệu sạch, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Cương đã tìm hiểu các vùng trồng ớt nguyên liệu, thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt sạch cho nông dân ở hai huyện Thạch Thành và Thiệu Hóa. 

Sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác từ nông sản

Ngoài thành công với sản phẩm tương ớt, Cương sản xuất thêm sản phẩm tương cà. Nguyên liệu ban đầu Cương lựa chọn là cà chua của bà con ở các vùng quê xứ Thanh.

So với vị tương cà của nước ngoài sản xuất công nghiệp thì tương cà Cương làm ra đỡ chua hơn, không phụ gia, không chất bảo quản, không mì chính…, điểm mạnh là mùi vị cà chua tươi hoàn hảo.

Du học sinh 9X bỏ lương nghìn USD về quê chế biến nông sản sạch - 4

Để có thể ra được thành phẩm phải mất 12 công đoạn.

Lê Minh Cương cho biết, với tương cà chua, phần gia vị ít, hương vị của quả cà và màu sắc là quan trọng nhất. Cà chua khi về cơ sở được lọc, rửa, xay nhuyễn, cô đặc, rót vào chai, hấp tiệt trùng, có thời gian sử dụng trong vòng 1 năm. Còn tương ớt phải ủ lên men theo phương pháp truyền thống, ủ từ 1 đến 2 tháng, cô đặc, hấp tiệt trùng, để có thể ra được thành phẩm phải mất 12 công đoạn.

Mỗi năm, công ty cung cấp hơn 20.000 chai tương ớt, tương cà ở thị trường của 42 tỉnh, thành phố trên cả nước, doanh thu mang lại khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Chàng trai trẻ mong muốn sẽ mở rộng sản xuất thêm một số mặt hàng lấy nguyên liệu nông sản của bà con nông dân. Ngoài ra, Cương còn có tham vọng thử nghiệm sản xuất giống ớt mới để cung cấp cho các vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm tương xì dầu, mật mía của xứ Thanh, phấn đấu đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

"Mong muốn của mình là làm ra sản phẩm thân thiện với sức khỏe, không hóa chất, chất phụ gia. Đặc biệt, địa phương mình có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, không phải dạng thô mà dạng chế biến sẵn. Đồng thời, giúp bà con nông dân canh tác nông nghiệp bền vững, ổn định, có thu nhập, đời sống nâng lên", Lê Minh Cương chia sẻ.

Bình Minh