Nghề cuộn rơm xuất hiện ở Phú Yên cách đây vài năm. Khi đó, các phương tiện cơ giới được nông dân sử dụng nhiều trên đồng ruộng. Sau khi thu hoạch lúa, phần rơm bị bỏ lại ở những cánh đồng rộng của tỉnh.
Trong khi đó, nhiều cơ sở ở các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận cần rơm để cho gia súc ăn, phục vụ trồng nấm. Từ đây bắt đầu có những người làm nghề cuộn rơm để thương lái thu mua từ Phú Yên mang đi các nơi cần.
Nghề cuộn rơm hoạt động mạnh nhất vào sau vụ lúa Đông Xuân. Vì mùa này nắng gắt, rơm nhanh khô. Mặt đất ruộng nhờ đó không lầy lội và thuận lợi cho máy cuộn hoạt động.
Những ngày trời "đổ lửa" tháng 5, trên các cánh đồng ở tỉnh Phú Yên, nhiều máy cuộn rơm đua nhau hoạt động hết công suất.
Máy gặt sau khi thu hoạch lúa sẽ bỏ rơm lại thành từng hàng. Chờ rơm khô, những máy cuộn rơm sẽ được điều khiển vào hàng để thu gom.
Rơm được bó thành các cuộn tròn và chắc nịch.
Sau khi được cuốn thành những khối tròn đẹp mắt, rơm cuộn sẽ được các lao động đưa lên các phương tiện cơ giới.
Cuộn rơm cũng có thể được xe bò đưa về các nơi tập kết để chuẩn bị bán cho thương lái.
Thường thì mỗi ha ruộng, máy sẽ cuộn được 200 cuộn rơm khô. Qua đó, người chủ máy cuộn sẽ kiếm được trên dưới 1 triệu đồng, còn 2 lao động đi cùng phụ máy và vận chuyển sẽ kiếm được từ 300.000-400.000 đồng/ngày.
"Kiếm đồng tiền từ nghề nông vất vả lắm, nắng 40 độ này đi làm về là mấy cái áo ướt sũng mồ hôi, nhưng không làm thì con cái lấy tiền đâu ăn học, nên chúng tôi đều phải cố gắng cả", nông dân Nguyễn Mạnh Hải ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) chia sẻ.
Bên cạnh việc xuất bán, nhiều nông dân còn thuê máy cuộn với giá 7.000 đồng/cuộn để đưa về tích trữ cho trâu, bò ăn.
Rơm cuộn được tập kết thành nhiều đống to.
Rơm cuộn được đưa lên các xe tải lớn vận chuyển đi nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trung Thi