Fica
  1. Đời Sống

Dịch vụ làm móng, nối mi tại nhà "đắt sô" trong mùa dịch Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dịch vụ làm móng, nối mi tại nhà trở nên “đắt sô” khi các cơ sở làm đẹp tạm dừng hoạt động, đóng cửa để phòng dịch Covid-19.

Tất bật chuẩn bị đồ nghề lên đường, chị Thanh Thủy, thợ làm móng chuyên nghiệp ở Hà Nội tâm sự, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách làm đẹp tại nhà của chị tăng cao. Trung bình mỗi ngày, chị nhận 3 - 4 khách đặt làm móng, 1 - 2 khách nối mi.

“Trước đây, ngoài sơn móng, nối mi tại cửa hàng thì tôi vẫn nhận khách làm tại nhà. Nhưng từ ngày có dịch Covid-19, mọi người hạn chế ra đường, ít lui tới quán xá nên tỷ lệ đặt thợ đến nhà tăng cao đột biến, gấp 3 - 4 lần” – chị Thủy chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, trước khi đến nhà khách, chị thường phải khử trùng toàn bộ dụng cụ làm móng, nối mi. Trong đó, các đồ cắt tỉa đều được sấy nhiệt kỹ để tránh lây nhiễm.

“Tôi yêu cầu toàn bộ nhân viên ở cửa hàng trước khi đến làm đẹp cho khách đều phải đeo khẩu trang, găng tay đầy đủ. Ngoài ra, tôi còn trang bị thêm cả mũ chống bắn giọt, kính bảo hộ để giữ an toàn” – chị Thủy khẳng định.

Dịch vụ làm móng, nối mi tại nhà đắt sô trong mùa dịch Covid-19 - 1

Dịch vụ làm móng, nối mi tại nhà "đắt sô" trong mùa dịch Covid-19

Vừa sử dụng xong dịch vụ làm đẹp tại nhà, chị Thùy Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) khá hài lòng với bộ móng tay mới. Đều như vắt chanh, cứ 1 tháng 1 lần là chị lại đi đổi kiểu mới, nay thay vì đến quán chị gọi thợ đến tận nhà. Để giữ an toàn, chị yêu cầu thợ đến làm móng phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào cửa.

“Tôi thấy đây là việc làm cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 bên. Làm đẹp thì vẫn làm nhưng phải giữ an toàn vì dịch bệnh không thể đùa được” – chị Quyên nói.

Dịch vụ làm móng, nối mi tại nhà đắt sô trong mùa dịch Covid-19 - 2

Các hội nhóm nhận làm đẹp tại nhà bùng nổ trong mùa dịch Covid-19

Dịch vụ làm móng, nối mi tại nhà ngoài mang lại sự tiện lợi cho khách còn là vị cứu tinh cho nhiều quán hàng trong mùa dịch. Như tiệm làm móng của chị Phương Dung (Hà Nội) mỗi tháng phải chi trả 15 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Nếu không có nguồn thu từ việc làm móng hiện tại thì chị phải đi vay nợ bạn bè để đắp vào phần chi phí vận hành.

“Tôi không dám chắc sau 2 - 3 tháng nữa, quán có trở lại hoạt động bình thường được hay không. Dù hiện nay, tôi vẫn đang cố gắng cầm cự để nuôi cửa tiệm bằng mọi cách” – chị Dung buồn rầu nói.

 

An Chi