Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, người lao động.
Theo đó, dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao.
Thống kê nhanh ở một số tỉnh và thành phố cho thấy, tình hình thất nghiệp đang diễn ra khá phức tạp với quy mô lớn.
Tại TPHCM: Trong tháng 2, hơn 9.800 người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM. Số lượng này tăng hơn 4.400 người so với tháng 1 và tăng gần 60 % so với tháng 2.
Trong đó, lao động bị thất nghiệp tại các doanh nghiệp FDI là 1.676 người (chiếm 17%) và doanh nghiệp tư nhân là 7.673 người lao động (chiếm 77 %).
Phân tích về ngành nghề, số lao động thất nghiệp ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 53 %, hoạt động dịch vụ khác chiếm 26 %.
Trong đầu tuần tháng 3, Trung tâm tiếp nhận hơn 2.600 lao động của 1.957 doanh nghiệp tới đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Số lao động trên tập trung lớn ở khối doanh nghiệp tư nhân với 2.063 người (chiếm 78 % ), doanh nghiệp FDI là 429 người (chiếm 16 %). Các doanh nghiệp có số lượng lao động thất nghiệp nhiều trên 10 lao động, chủ yếu là may mặc, giày da.
Tại Bình Dương: Trong tháng 2/2020, tỉnh có 3.835 người lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 22 % so với tháng 1 và tăng 70 % so với tháng 2/2019.
Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương, trong tuần đầu tuần tháng 3, tỉnh có hơn 2.200 lao động thất nghiệp, thuộc 1.184 doanh nghiệp, tới đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong đó, lao động thất nghiệp vẫn tập trung lớn ở doanh nghiệp tư nhân với hơn 25 %, doanh nghiệp FDI là chiếm 69 %.
Các doanh nghiệp có số lượng lao động thất nghiệp đồng thời nhiều (trên 10 lao động) vẫn tập trung ở ngành may mặc, giày da...
Hoàng Mạnh