Chị Lại Minh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, mấy hôm nay, điều hòa nhà chị có hiện tượng bị rỉ nước, dàn lạnh không mát. Thế nên, chị đã gọi điện ngay đến các trung tâm sửa chữa điện lạnh, nhờ thợ đến xem giúp.
"Nhưng phải điện tới 3 nơi, tôi mới tìm được người. Các chỗ còn lại họ bảo tôi phải chờ 5 - 6 tiếng nữa thợ mới đến bởi thợ đang có lịch lắp đặt, bảo dưỡng từ trước. Mà tôi thì cần sửa ngay, do nhà có người già và trẻ nhỏ" - chị nói.
Chị Hương cho biết, sau khi kiểm tra, thợ báo rằng, nguyên nhân khiến điều hòa nhà chị không mát và rỉ nước là thiếu gas nên dẫn đến hiện tượng đông đá ở dàn lạnh. Từ đó khiến đá bị tan chảy qua máng hứng và làm tràn nước.
Điều hòa trở thành vật bất ly thân của nhiều gia đình trong mùa nắng nóng.
Anh Nguyễn Hưng, một thợ sửa điều hòa ở Hà Nội, cho biết, từ lúc bắt đầu mùa nóng, anh làm không hết việc. Lượng khách gọi đi bảo dưỡng, lắp đặt, thay thế điều hòa tăng cao nên anh còn phải thuê thêm 2 thợ nữa đi cùng để phụ giúp.
"Có ngày, chúng tôi ra khỏi nhà từ khi sáng sớm rồi đến tận khuya mới về. Bởi cứ hết đơn nhà nọ rồi lại sang nhà kia. Chưa kể, trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng còn phát sinh nhiều vấn đề. Không như lắp đặt mới là có khung thời gian chuẩn" - anh kể.
Theo tiết lộ, trung bình mỗi ngày, anh nhận khoảng 20 - 30 đơn hàng. Trong đó, anh sẽ phụ trách những ca khó như sửa chữa, thay thế thiết bị. Còn việc lắp đặt mới thì cho thợ làm vì quy trình đơn giản hơn.
"Nhiều hôm, tôi còn phải từ chối khách vì đuối quá rồi, không cố được. Bởi mùa hè, cứ leo trèo một lúc là thở không ra hơi, mồ hôi đầm đìa. Nhưng đổi lại là đếm tiền mệt nghỉ, sướng tay. Như ngày cao điểm, 3 anh em cấp tập chạy sô cũng thu về 9 - 12 triệu đồng" - anh kể.
Thợ sửa điều hòa "chạy sô" trong mùa nóng.
Anh Vũ Trung, một thợ sửa điều hòa ở Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), cho hay, 2 - 3 ngày nay, anh đều phải "chạy" hết công suất. Hầu hết, khách gọi cho anh đều có nhu cầu vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa và bơm gas cho điều hòa.
Lý giải nguyên nhân lượng khách vọt tăng cao, anh Trung cho rằng nhiều người chỉ có thói quen xem, chú ý đến điều hòa vào những ngày nóng. Do đó, họ ít có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng máy. Thế nên, chỉ khi cần sử dụng, máy có vấn đề mới cuống cuồng đi gọi thợ.
"Mấy hôm nắng nóng, tôi thường tranh thủ làm vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Bởi lúc đó, bọn tôi làm vừa không mất sức mà năng suất công việc tăng cao" - anh nói.
Ngoài ra, anh Trung còn tiết lộ, hầu hết khách gọi điện đến cửa hàng anh sửa chữa máy lạnh đều có tâm lý hoang mang, lo sợ. Bởi trước đó, người tiêu dùng từng bị "vặt tiền" bởi những chiêu trò của thợ sửa điều hòa.
Thông thường sẽ có 2 trường hợp, một là ăn gian số tiền niêm yết trên thiết bị, thứ hai là báo lỗi thiết bị hỏng không chính xác, nhằm cố tình tăng phí. Ví dụ như khách gọi đến nạp gas thì thợ sẽ đề nghị kiểm tra toàn bộ thiết bị, sau đó "phán" thêm vài lỗi để tính phí.
An Chi