Tại Hà Nội và một số địa phương khác, nhiều quán nhậu, quán ăn đã mở dịch vụ hỗ trợ đưa khách về nhà sau khi đã uống rượu bia, thậm chí có quán bia "chơi lớn" hỗ trợ tiền cho khách bắt taxi, Grab.
Tại một nhà hàng ở đường Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ nhà hàng đã treo biển thông báo về dịch vụ mới. Nội dung tấm bảng có ghi: "Đã uống rượu bia - không lái xe. Hỗ trợ đến 100.000 đồng đưa về nhà". Tấm bảng được treo lên đã thu hút được sự chú ý của nhiều người đến quán.
Trao đổi với Lao Động, chị Phạm Thị Thanh Thủy - Tổng quản lý chuỗi nhà hàng này cho biết, khách hàng đến với nhà hàng thời gian gần đây có sự chuyển biến theo hướng tích cực, đa phần, khách nhậu đi xe ôm hoặc taxi, chứ không đi xe cá nhân như trước. Khách hàng vào quán sẽ được nhân viên quán tư vấn về dịch vụ đưa về tận nhà nếu đã uống bia rượu.
"Khi trong người đã có "hơi men", chắc chắn khách sẽ không làm chủ được tay lái và tốc độ, cho nên nhà hàng đã bố trí bãi gửi xe miễn phí cho khách nhậu say gửi qua đêm và hỗ trợ tiền cho khách về nhà an toàn.
Theo đó, chúng tôi có thiết lập một mã giảm giá 50% cho khách trên ứng dụng gọi xe Grab. Khách chỉ cần nhập mã khuyến mãi của nhà hàng (cả chiều đi và chiều về) sẽ được giảm nửa tiền cuốc xe, số tiền cao nhất đến 100.000 đồng", chị Thủy cho biết.
Nhà hàng này hỗ trợ đến 100.000 đồng cho khách về nhà. Ảnh: C.N
Theo chị Thủy, kể từ khi nhà hàng của chị "tung chiêu" ưu đãi này, rất nhiều khách hàng đến quán sử dụng dịch vụ, trung bình một ngày có khoảng 50-100 khách sử dụng.
"Chúng tôi muốn thay đổi thói quen của khách, là khi sử dụng rượu bia thì không lái xe, bởi hậu quả của các vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra cho xã hội rất lớn, cả về vật chất lẫn con người", chị Thủy cho hay.
Chị Nguyễn Thị Phượng (32 tuổi, Hà Nội), người sáng lập công ty dịch vụ đưa người say về nhà tại các quận nội thành Hà Nội, cho biết, mấy ngày qua, số tài xế của công ty chị không đáp ứng xuể. Gần 12 giờ đêm vẫn đang có khách gọi". Khách hàng của chị đa phần là người đi ôtô nhưng không thể tự lái xe về.
Hàng đêm, lái xe của chị Phượng sẽ túc trực sẵn tại các quán nhậu để khi khách gọi là có thể hỗ trợ được sớm nhất. "Chi phí cho 5 km là 150 nghìn đồng, càng xa thì càng đắt. Còn khách đi dưới 2 km luôn phải chịu 100 nghìn", chị Phượng tiết lộ.
Nhiều quán bia bố trí khu vực để xe miễn phí cho khách. Ảnh: C.N
Từ ngày 1.1, Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, khách tìm đến dịch vụ của Nguyễn Thị Phượng tăng thấy rõ so với trước. Có những khách chỉ uống vài chén cũng thuê người lái. Hiện Phượng đang tuyển thêm lái xe đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chị cũng vừa ở rộng dịch vụ này tại Uông Bí và Hạ Long (Quảng Ninh).
Chia sẻ với Lao Động, anh Nguyễn Văn Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Thời gian gần đây, nhiều quán nhậu "than thở" về việc nhà hàng kinh doanh ảm đạm sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, doanh thu bị sụt giảm, nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt thật nghiêm những người đã uống rượu bia còn lái xe.
Cần duy trì và thực hiện nghiêm việc xử phạt này trên phạm vi cả nước để ổn định trật tự xã hội và giảm thấp các vụ tai nạn giao thông do tác hại từ rượu bia. Rất mong mọi người cùng đồng lòng thực hiện "đã uống rượu bia thì không lái xe"", anh Hùng nói.
Theo Cường Ngô
Lao động