Theo tiết lộ của nguồn tin Dân trí từ Cục Thuế Hải Dương, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh, "đại gia" chơi lan đột biến (lan var) có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, hiện cơ quan thuế đang chuyển hồ sơ sang công an để xử lý.
Cụ thể, doanh nghiệp này có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp năm 2020 thông qua thanh tra thuế.
Anh em đại gia lan đột biến "khét tiếng" tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh bị xác định sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (Ảnh: Vietnamnet).
Nguồn tin của Dân trí cho biết, qua xác minh ban đầu, cơ quan thuế đã nắm được thông tin về người đứng đầu doanh nghiệp nói trên có thể được dựng lên để các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm pháp. Cục Thuế Hải Dương cho biết sẽ sớm gửi báo cáo lên Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) về các nội dung liên quan.
Ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra tại Công ty CP Yên Phước (Thái Nguyên) và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương (Hải Dương) và các đơn vị có liên quan tại thị xã Kinh Môn, thuộc tỉnh Hải Dương về hành vi buôn bán, khai thác than trái phép.
Về Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, doanh nghiệp này được lập ra hồi tháng 6/2017 do Bùi Mạnh Cường làm Giám đốc, nhưng thực chất là do hai anh em Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (đều sinh năm 1989) điều hành.
Theo C03, Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh đã cấu kết với Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước để mua bán quyền khai thác hàng triệu tấn than trái phép tại xã Minh Tiến và xã Na Mao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) để về tập kết tại nhiều điểm dọc sông Kinh Thầy, thuộc địa phận thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương).
Số than trái phép được tập kết tại thị xã Kinh Môn (Hải Dương) lên tới hàng triệu tấn (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường).
Hồ sơ vụ việc của cơ quan công an cho biết, Công ty CP Yên Phước được cấp phép khai thác than tại huyện Đại Từ với công suất 8.500 tấn/năm, tuy nhiên sau đó doanh nghiệp này bán quyền khai thác than cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương với hợp đồng ký kết lên đến 400.000 tấn than/năm, gấp 47 lần được cấp phép.
Cơ quan công an bước đầu xác định việc khai thác chui, tàng trữ các loại than không giấy tờ lên đến hàng triệu tấn tại nhiều điểm tại thị xã Kinh Môn, chờ tiêu thụ. Các bị can sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi qua mặt cơ quan chức năng, trốn thuế phí với số tiền gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Hiện cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam, lệnh khám xét 12 đối tượng có liên quan, trong đó có Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty CP Yên Phước, cùng Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh và 9 người khác có liên quan trực tiếp đến vụ án.
Đáng chú ý, Bùi Hữu Giang, người đứng sau điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương còn được biết đến là chủ vườn lan đột biến Đất Mỏ từng gây chấn động dư luận khi đứng đầu thương vụ mua bán một cây lan đột biến (lan var) "Ngọc Sơn Cước" trị giá hơn 250 tỷ đồng tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh hồi tháng 3.
Khi cơ quan chức năng vào cuộc, thương vụ mua bán một cây lan Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng không có thực; số tiền giao dịch một cây lan được đối tượng lý giải là bán cả vườn lan đột biến và chỉ giao ước.
Hiện, hai anh em Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh còn sở hữu xe hơi sang trọng, biệt thự và vườn lan hoành tráng tại Đông Triều, Quảng Ninh, cơ ngơi này được gây chú ý sau khi đối tượng tham gia vào các thương vụ trăm tỷ mua bán lan đột biến.
An Linh