Bà lão 74 tuổi bán cá viên chiên ế ẩm trong những ngày giãn cách xã hội
Chưa khi nào ế như lúc này
Chiều muộn ngày 18/6, bà Lê Thị Ngọt (74 tuổi) háo hức bên xe cá viên chiên trước cổng trường THCS Phú Mỹ (quận Bình Thạnh, TPHCM) chờ đợi vị khách mở hàng. Tóc bà bạc trắng, khóe mắt hằn sâu những âu lo. Những ngày này, bà không thể ngừng trăn trở về nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Bà Lê Thị Ngọt quê ở An Giang, lấy chồng tận Bình Định rồi theo chồng vào TPHCM lập nghiệp đã được 40 năm. Những ngày mới vào Sài Gòn, vợ chồng bà ấp ủ nhiều hoài bão, chăm chỉ làm thuê với hy vọng có tương lai sáng sủa hơn ở quê nhà. Rồi người chồng qua đời, bà ở chốn đô thị xa hoa bươn chải kiếm sống.
Thời gian chồng bà vừa mất, xóm trọ rộ lên nghề bán cá viên chiên. Thấy người ta kiếm được tiền nên bà học theo, nào ngờ lại gắn bó luôn với nghề này đến 20 năm. Dù nghề này không mang lại cho bà thu nhập cao nhưng cũng đủ nuôi sống nơi đất khách quê người.
Bà Lê Thị Ngọt ngồi ngắm nhìn đường phố thưa thớt mà lo lắng.
Nhưng trong những ngày dịch Covid-19 phức tạp, xe cá viên chiên của bà Lê Thị Ngọt cũng chịu chung số phận ế ẩm như những hàng rong khác. Bà than thở: "20 năm qua chưa lúc nào buôn bán lại ế ẩm như lúc này".
Trước khi dịch bùng phát, mỗi ngày bà bán từ 15-22h và thu được 150.000-200.000 đồng. Từ ngày thành phố giãn cách xã hội, đoạn đường này ít người qua lại nên bà chỉ bán được vài chục nghìn đồng, có hôm may lắm mới được khoảng 100.000 đồng.
Bà lưu luyến mãi cái cảnh học sinh ở trường THCS Phú Mỹ vây quanh xe cá viên chiên nhỏ mỗi chiều tan học. Mỗi tối, có mấy đứa con nít thèm phô mai que, xúc xích chiên, nên nhõng nhẽo vòi cha mẹ ghé lại mua. Rồi dòng xe tấp nập thỉnh thoảng cũng có người rẽ vào mua ủng hộ bà vài ba xiên cá... Những cảnh tượng ấy đã vắng dần khi dịch Covid-19 bùng phát.
Chiếc xe cọc cạch cùng bà lam lũ trên nhiều địa bàn thành phố.
Phía trước là tuổi già...
Với những người lao động tự do như bà Lê Thị Ngọt, thu nhập giảm đồng nghĩa với việc tiền phòng trọ, tiền điện nước và chi phí ăn uống hằng ngày trở nên nặng nề hơn.
"Tiền trọ hết 1,5 triệu đồng/tháng mà còn không đủ đóng, mấy tháng rồi tôi phải đi vay mượn để đóng đỡ. Hy vọng tháng này dư xíu để trả lại cho người ta, còn không thì cũng đành đợi đến tháng sau, tháng sau nữa...", bà thở dài chia sẻ.
Bà mướn phòng trọ trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh) ở cùng đứa cháu trai năm nay học lớp 8. Ba mẹ cháu ly hôn, mẹ vất vả làm thuê để xoay xở tiền học, còn bà lo ăn uống và chỗ ở cho cháu.
Ở tuổi 74, hầu như ai cũng đều được an hưởng tuổi già, sum vầy bên con cháu. Với bà Lê Thị Ngọt, đó là điều quá xa vời. Bởi bà không nhà, không cửa ở đất khách quê người.
Bà Lê Thị Ngọt suy nghĩ về cuộc đời bên chiếc xe hàng rong khiến không gian buổi chiều tà thêm phần buồn bã.
Dù tuổi cao sức yếu bà vẫn phải cố làm việc mỗi ngày. Ngày nào bán buôn ế ẩm thì tìm đủ cách xoay xở để có tiền mua thức ăn, trả tiền trọ mới có chỗ che mưa che nắng.
"Tiền trọ, tiền ăn hằng ngày tôi lo còn chưa nổi, chắp vá khắp nơi chứ nào dám tính đến chuyện nghĩ dưỡng tuổi già", bà Lê Thị Ngọt tâm sự.
Thấy dịch bệnh lây lan nhanh, bà cũng rất lo nhưng không ra đường buôn bán thì lấy đâu ra cái ăn, cái mặc cho 2 bà cháu. Vì thế, bà vẫn đẩy xe cá viên chiên ra bán, mang khẩu trang thật kỹ và rửa tay thường xuyên như người ta hướng dẫn.
Những ngày TPHCM giãn cách xã hội, đường vắng người qua lại nhưng bà vẫn kiên trì đứng đợi khách bên xe cá viên chiên. Mong là kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ nằm ở nhà thì lấy đâu ra tiền sinh sống qua ngày...
Những hình ảnh ưu tư, lo lắng của cụ bà bán cá viên chiên những ngày giãn cách:
Đôi mắt của bà sưng bọng và quầng thâm vì nhiều ngày lo nghĩ.
Đã là 17h giờ nhưng chảo dầu chiên trên bếp ga mini của bà chưa được đun sôi lần nào vì vắng bóng người mua.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên đôi vai của bà lão 74 tuổi.
Bà lưu luyến những hình ảnh vui nhộn trước kia, khi học sinh ùa ra cổng lúc tan trường.
Phương Nhi - Lại Hậu