Dạo một vòng quanh chợ mạng, lá tầm gửi sấy khô hiện là mặt hàng được nhiều tiểu thương rao bán rầm rộ. Theo quảng cáo, đây là loài cây sống nhờ trên thân cây có tác dụng làm mát gan và chữa một số bệnh về thấp khớp.
Theo chị Nhung, chủ một cửa hàng đồ rừng ở Hà Nội cho biết, năm nào chị cũng nhập tầm gửi khô về bán. Hàng đa phần được nhập từ các tỉnh như Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Lá sau khi cắt về sẽ được phơi khô, đóng thành túi.
Tầm gửi mọc trên cây gạo tía.
"Cây tầm gửi có nhiều loại nhưng đắt nhất là dòng sống nhờ, mọc trên cây gạo tía. Nếu lá được làm sạch, sấy khô sẽ có giá lên tới 1 triệu đồng/kg. Để lấy được nguồn hàng chuẩn, tôi phải về tận vườn nhà dân thu mua" - chị nói.
Theo chị Nhung, hiện nay, thị trường tầm gửi rất nhộm nhọam, nếu không cẩn thận thì người mua sẽ bị sập bẫy. Bởi tầm gửi có giá trị nhất phải mọc, sinh sống trên cây gạo tía, còn các loại như tầm gửi nghiến, tầm gửi cây chanh thì giá trị không cao, ít hiệu quả chữa bệnh.
"Như năm trước, tôi nhập về 1,5 tạ lá khô, bán với giá dao động 1 - 1,2 triệu đồng/kg, thu lãi cả chục triệu đồng. Muốn lá đạt chất lượng tốt nhất, tôi phải bảo quản trong kho lạnh, để cao, tránh ẩm mốc" - chị kể.
Người dân thu hoạch tầm gửi.
Ông Nguyễn Thống (Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, nhà ông hiện có 30 cây gạo tía, trên mỗi cây có rất nhiều tầm gửi. Trung bình mỗi năm, ông thu về cả trăm triệu đồng tiền bán lá.
"Như mùa năm trước, tôi hái được hơn 7 tạ tầm gửi tươi, một nửa bán với giá 500.000 đồng/kg, nửa còn lại là 600.000 đồng/kg, tính ra là thu về hơn 400 triệu đồng" - ông chia sẻ.
Giá cho mỗi cân tầm gửi xịn, sấy khô có giá lên tới 1 triệu đồng/kg.
Tương tự, ông Bùi Thịnh (Tam Nông, Phú Thọ) kể, trong vườn nhà ông có rất nhiều cây gạo, nhưng chỉ có cây gạo tía tầm gửi mới mọc, phát triển. Thông thường, mỗi cân lá tươi hiện được bán ra thị trường từ 500.000 - 800.000 đồng/kg, còn lá khô thì có giá thành gấp đôi.
"Như năm ngoái, tầm gửi nhà tôi còn không có mà bán, thương lái phải xếp hàng dài, chờ tới lượt mua. Bởi vì, tầm gửi gạo tía là tự nhiên, người dân không thể ươm trồng" - ông kể.
Theo ông Thịnh, tầm gửi là cây trời cho, không thể tạo giống được nên mới có giá thành đắt đỏ. Nếu muốn cây ra được nhiều lá chỉ có cách chăm sóc vùng đất trồng quanh cây tốt để đất luôn màu mỡ, tránh khô cằn.
An Chi