Gần 1 tháng nay, chị Minh Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) quen dần với việc lên các chợ online chung cư đặt đồ ăn. Từ ngày có dịch Covid-19, quán hàng đồng loạt đóng cửa nên việc mua sắm ở gia đình chị chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Thay vì đi chợ, chị chỉ cần ngồi ở nhà, truy cập vào mạng, bấm nút và đợi shipper giao đồ đến tận nơi.
"Các đồ gia dụng, vật dụng trong nhà, tôi sẽ ưu tiên đặt trên các sàn thương mại điện tử. Còn đồ ăn, thức uống thì tôi hay đặt ở chợ online trong chung cư nhà mình. Như nhà tôi thì hay đặt đồ ở trong các nhóm chợ của Times city" - chị Hà chia sẻ.
Chợ chung cư online nhộn nhịp trong mùa dịch Covid-19
Chị Hà cho hay, các mặt hàng trên chợ online hiện nay vô cùng phong phú và không thua kém gì so với chợ truyền thống. Khách chỉ cần chọn món và gửi địa chỉ là công việc đi chợ sẽ hoàn tất.
Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, nhiều nhóm chợ còn yêu cầu người bán để lại tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ xác thực. Nếu người bán vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng như bán hàng kém chất lượng, phục vụ tồi đều bị ban quản lý chợ cho ra khỏi nhóm.
"Tôi thấy đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi mua bán trên không gian mạng không khác gì so với ngoài đời thực" - chị Hà nói.
Bán đồ ăn hơn nửa năm nay ở chợ online chung cư, chị Thạch Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ ngày có dịch Covid-19, lượng khách mua hàng nhà chị tăng chóng mặt. Đặc biệt, trong 10 ngày thực hiện lệnh cách ly xã hội, doanh số của tiệm tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.
Để đảm bảo an toàn trong, trước khi đến nhà khách, chị Thảo đều yêu cầu nhân viên phải đeo khẩu trang, găng tay đầy đủ. Cẩn thận, chị còn trang bị thêm cả mũ chống bắn giọt, kính bảo hộ để giữ an toàn cho cả đôi bên.
Các mặt hàng trên chợ online chung cư hiện vô cùng phong phú và không thua kém gì so với chợ truyền thống
Tương tự, anh Thành Chung (Cầu Giấy, Hà Nội) mỗi ngày thu về cả chục triệu đồng tiền bán thực phẩm sạch trong các chợ online chung cư. Anh cho biết, cứ 9 giờ sáng hàng ngày, đồ sẽ được đóng gói và chuyển đến từng nhà theo địa chỉ giao nhận.
Các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, rau xanh luôn nằm trong tình trạng cháy hàng. Nhiều hôm mới 10 giờ sáng mà cửa hàng anh đã hết nhẵn không còn một thứ gì.
"Đồ nhà tôi chủ yếu là nhập từ quê ra nên số lượng có hạn. Nhiều khi anh em muốn mua thêm mà cũng không có" - anh Chung cho hay.
Không bán đồ ăn hay thực phẩm, chị Minh Huyền (Hà Đông, Hà Nội) chọn bán dụng cụ làm bánh. Nhờ làn sóng làm bánh cuốn, bánh tráng ở các chung cư tăng vọt, nhờ thế mà mỗi ngày chị thu về cả triệu đồng.
"Chợ online của chung cư này có khoảng 20.000 thành viên tham gia nên lượng tương tác rất lớn. Tôi chỉ cần đăng bài sau 4 - 5 phút đã có khách đặt mua. Trung bình mỗi ngày, tôi bán ra 10 - 15 đơn, mỗi đơn dao động 80.000 - 200.000 đồng" - chị Huyền kể.
Chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là khách hàng thoải mái đi chợ online
Nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong mùa dịch, chị còn khuyến khích khách hàng thanh toán online. Và giảm giá 5 - 10% cho giá trị các đơn hàng không dùng tiền mặt.
An Chi