Trần Văn Hạnh (sinh năm 1990, thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sinh ra và lớn trên mảnh đất Gia Lai. Từ xưa nay, gia đình anh đều sống dựa vào cây cà phê. Tuy nhiên, cà phê liên tiếp rơi vào thảm cảnh mất giá, mất mùa khiến cho kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Trong chuyến đi tình nguyện tại Ninh Thuận, chàng thanh niên trẻ Trần Văn Hạnh đã được thăm quan và học hỏi mô hình trồng cây măng tây. Trong chương trình khuyến nông, anh biết được những người dân phía Bắc đều làm giàu nhờ cây măng tây này. Từ đó, anh đang quyết tâm tìm hiểu để trồng mô hình cây măng tây trên vùng đất cao nguyên Gia Lai.
Chàng thanh niên 9X Trần Văn Hạnh liều mình phá bỏ hơn 8.000m2 cà phê để trồng cây măng tây.
Sau đó, anh đã "khăn gói" quay lại Ninh Thuận và ra các tỉnh phía bắc để học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây được mệnh danh là "rau hoàng đế" này. Khi đã nắm vững kiến thức và liên hệ được nguồn cung cấp giống, năm 2017 Hạnh đã phá bỏ vườn cà phê để trồng măng tây trên diện tích 1.000 m2.
"Giống măng tây tôi đang trồng là UC157. Đây là giống tốt nhất, tuổi thọ của giống măng này trung bình là 10 năm, nếu chăm sóc tốt tuổi thọ có thể lên đến 15 năm. Việc thu hoạch diễn ra quanh năm nên mình hy vọng sẽ đưa lại lợi nhuận kinh tế gấp nhiều lần cây cà phê", Hạnh chia sẻ.
Anh đã trồng vườn măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng phương pháp hóa học trong chăm sóc.
Vườn măng tây được Hạnh trồng và chăm sóc tỉ mỉ. Sau 8 tháng trồng, vườn măng tây cũng đến ngày thu hoạch. Lúc đó, anh đã dành tặng những bó măng đầu tiên cho những người thân, người quen ở địa phương để họ nhận xét về sản phẩm của mình. Trong vùng ai nấy đều khen măng ngon, ngọt. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm trồng măng tây
"Hầu hết măng tây được trồng tại nhiều vùng đất cát, khí hậu nóng, nên muốn trồng được trên đất bazan ở Gia Lai phải trải qua những công đoạn hết sức khó khăn. Để vườn măng tây xanh tốt, tôi không sử dụng phương pháp hóa học mà chỉ bón phân hữu cơ, vi sinh… Tôi mong muốn có thể áp dụng trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP", Anh Hạnh chia sẻ.
Với 7000 m2 măng tây, mỗi ngày anh Hạnh thu về khoảng 6 triệu đồng.
Sau khi gây dựng được nguồn nguyên liệu, Hạnh đã trực tiếp đến các cửa hàng và tham gia triển lãm, hội chợ thương mại để tiếp cận người tiêu thụ. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi đó, một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Gia Lai thu mua măng tây với số lượng lớn hàng ngày.
Gây dựng được đầu ra ổn định từ siêu thị, cửa hàng, anh Hạnh tiếp tục phá bỏ hàng nghìn cây cà phê đã già cỗi trên mảnh đất 7.000 m2 để trồng măng tây. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Hạnh có tổng 8.000 m2 măng tây được trồng.
Mô hình măng tây tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Chư Prông (Gia Lai).
Với diện tích đó, mỗi ngày vườn măng tây của anh Hạnh thu hoạch từ 150 kg -200 kg. Trung bình giá măng tây trên thị trường hiện nay từ 65.000 - 80.000 đồng/kg (tùy vào từng loại). Theo đó, anh thu về gần 6 triệu đồng mỗi ngày.
"Ngoài bán lẻ, tôi còn bán cho các công ty ở Gia Lai thu mua để phân phối đi các tỉnh, thành khác. Hầu hết sản phẩm đều được kiểm nghiệm, đánh giá trước nên đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng", anh Hạnh cho biết.
Hiện sản phẩm măng tây của Hạnh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trong thời gian sắp tới, anh sẽ tổ chức sản xuất mô hình măng tây chuyên nghiệp, nâng tầm chất lượng và đầu tư nhiều máy móc và phấn đấu sản phẩm đạt 4 sao, 5 sao.
Không chỉ làm giàu cho mình, Hạnh còn mạnh dạn liên kết với các hộ dân trong vùng để sản xuất măng tây. Hiện tại đã có 10 hộ dân trồng măng tây với tổng diện tích là 5 ha. Đây được coi là mô hình măng tây lớn nhất tỉnh Gia Lai. Các hộ dân đã được anh Hạnh hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu sản phẩm.
Từ việc liên kết trồng măng tây, anh còn tạo ra việc làm cho hàng chục người lao động, với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng. Qua đó đã giúp đỡ cho nhiều người dân nghèo, người lao động thất nghiệp trên địa bàn huyện Chư Prông.
Hạnh đã liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn để tạo nguồn cung ứng măng tây cho các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Anh Hạnh còn cho biết thêm, trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, việc vận chuyển sản phẩm măng tây ở ngoài tỉnh rất khó khăn, thời gian vận chuyển có thể kéo dài lên tới 2 ngày sẽ làm cho sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Bởi lẽ, măng tây là sản phẩm tươi bắt buộc phải chuyển đến tay nhà phân phối trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon.
Chính vì vậy, vườn măng tây của anh Hạnh và các hộ dân khác đều tạm dừng sản xuất và tập trung vào chăm sóc. Đây cũng là cơ hội để cây măng được nghỉ, phục hồi sau thời gian thu hái liên tục trong nhiều tháng.
Nay Săt - Phạm Hoàng