Bước vào nghề nuôi ong vò vẽ gần 2 năm, anh Tịnh (19 tuổi, quê ở Nghệ An) cho biết, năm nay, nhà anh nuôi hơn 100 tổ. Để bảo vệ đàn ong khỏi kẻ trộm, anh phải dựng lều trông giữ, rào chắn quanh khu nuôi.
"Khoảng 3 năm trở lại đây, ở quê tôi có phong trào nuôi ong vò vẽ lấy nhộng vì hàng bán được giá cao, mang lại thu nhập tốt. Hồi trước dịch Covid-19, nhộng chủ yếu là bán cho thương lái Trung Quốc nhưng hiện giờ là cung ứng cho thị trường nội địa. Thế nên, nhà nào ít cũng có chục tổ, nhiều thì trăm tổ", anh nói.
Khu vực nuôi ong được thiết kế xa nhà, xa khu dân cư.
Theo anh Tịnh, ong vò vẽ khá nguy hiểm nên khu vực nuôi đều được cách xa nhà, xa khu dân cư. Người nuôi khi vào thăm, kiểm tra ong đều phải mặc đồ bảo hộ, trang thiết bị để tránh bị ong đốt.
Thông thường, mùa nuôi dưỡng, thu hoạch ong vò vẽ sẽ bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 9. Khi đó, thương lái sẽ từ khắp nơi đổ về thu mua.
Trung bình, một tổ ong nhỏ nặng 2 - 3 kg sẽ cho thu hoạch 2 lần/vụ, còn tổ ong lớn thường đạt 6 - 7 kg, tổ to cực đại có thể lên tới 10 kg và cho thu hoạch 2 - 3 lần/vụ.
Mùa thu hoạch nhộng ong bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm.
"Hiện nay, giá cho một cân nhộng ong vò vẽ đã được làm sạch từ 270.000 đồng đến 300.000 đồng, loại chưa tách tổ, còn nguyên sáp là 170.000 - 200.000 đồng/kg", anh cho hay.
"Năm trước, nhà tôi nuôi 100 tổ vò vẽ, thu về khoảng 50 triệu đồng. 50 triệu đồng này là tiền tươi luôn, không cần trừ khi bất cứ chi phí nào bởi ong chỉ cần có môi trường sống, còn đâu chúng sẽ tự đi kiếm ăn, kiếm sống", anh tiết lộ.
Anh Tịnh cho biết, mấy năm nay, quê anh có phong trào nuôi ong vò vẽ nên lượng ong trong tự nhiên ngày càng ít do bị săn bắt nhiều.
"Nuôi ong ngại nhất là mùa hè có hôm 39 - 40 độ mà chúng tôi vẫn phải mặc đồ kín mít đến chỗ nuôi ong kiểm tra. Hay có những ngày tôi phải đi 10 km để bắt ong, đi vừa xa vừa mệt mà trên người toàn đồ bảo hộ", anh nói.
Giá cho mỗi cân nhộng đã tách, làm sạch dao động 270.000 - 300.000 đồng.
Nhớ lại những ngày đầu nuôi ong, anh Tịnh thừa nhận, anh cũng gặp phải vô vàn khó khăn, thử thách khi chưa có kinh nghiệm nuôi, huấn luyện đàn.
"Nuôi ong thì không tránh khỏi bị ong đốt, tôi cũng không ngoại lệ nhưng nhờ có kinh nghiệm xử lý nên tôi không sao. Như hiện nay, ngoài nuôi ong vò vẽ lấy nhộng thì tôi còn đẩy mạnh việc nuôi ong mật lấy mật", anh tâm sự.
Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, việc nuôi ong không hề đơn giản, bởi chỉ cần một phút bất cẩn là người nuôi có thể gặp nguy hiểm. Cho nên, trước khi nuôi bất cứ loại ong nào, đặc biệt là ong vò vẽ, mọi người nên tìm hiểu thông tin, kiến thức thật kỹ lưỡng. Đặc biệt, khu vực nuôi ong vò vẽ phải ở cách xa khu dân cư.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, ong vò vẽ là loài ong kịch độc, người dân không nên nuôi. Những năm qua, ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm do ong vò vẽ đốt người, gây nguy hiểm cho tính mạng.
Hơn nữa, nhiều trường hợp ăn nhộng ong vò vẽ còn bị dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ do loại nhộng này chứa các chất không tốt cho sức khỏe.
Hoàng Dung