Fica
  1. Đời Sống

Cắt giảm đủ bề, vẫn "đốt" tiền triệu sắm đồ chơi cho con mùa dịch

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhiều gia đình cắt nhiều khoản chi tiêu trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thế nhưng vẫn không thể cầm lòng, đốt tiền triệu vào đồ chơi cho con.

Đi làm về, anh Ngô Đức Quân, nhà ở Q.3, TPHCM cầm trên tay mớ rau muống 5.000 đồng vợ dặn mua và bộ đồ chơi robot gần 300.000 đồng cho con trai. Thế là vợ chồng cãi nhau, vợ anh mặt nặng mày nhẹ không nói chuyện suốt cả tối. 

Cắt giảm đủ bề, vẫn đốt tiền triệu sắm đồ chơi cho con mùa dịch - 1

Trẻ nhỏ đeo khẩu trang đi chọn đồ chơi trong mùa dịch bệnh 

Hai tháng qua, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, vợ chồng anh đã thống nhất cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, tiết kiệm tối đa, tiền ăn uống cũng phải điều chỉnh cho bớt tốn kém. Nhưng cứ vài ba hôm, anh Đức lại tha một món đồ chơi cho con, từ đợt nghỉ dịch đến giờ đã hết vài triệu đồng. 

Ông bố thừa nhận, thói quen này từ lâu anh chưa bỏ được, không ít lần anh hứa với vợ, mắng cả con "đây là lần cuối ". Nhưng rồi, con thấy bạn có, về vòi vĩnh vài lời anh lại xiêu lòng. Đi trên đường thấy cửa hàng đồ chơi, anh lại không kiềm chế được. Đợt này con nghỉ học dài, ở nhà nhiều buồn, tốc độ sắm đồ chơi cho con của anh càng dày hơn. 

Cắt giảm đủ bề, vẫn đốt tiền triệu sắm đồ chơi cho con mùa dịch - 2

Đồ chơi trẻ em được bán tấp nập trên các cửa hàng online

 Bên cạnh đồ ăn, thực phẩm được bán tấp nập trên chợ online thì đồ chơi trẻ em cũng là mặt hàng đắt khách trong mùa dịch. Nhiều chị em nắm bắt thời cơ vàng khi con trẻ nghỉ dài và "điểm yếu" của các phụ huynh, tung ra nhiều sản phẩm đồ chơi hot như trứng Hatchimals, bộ đồ chơi Shopkin, các bộ xe điều khiển, các loại robot, búp bê... 

 Chị Trần Thu Ngân, ở Gò Vấp, TPHCM kể, chỉ trong tháng đầu tiên của đợt học sinh nghỉ dịch, chị bán vài ngàn quả trứng Hatchimals. Có khi rao trong group bán hàng, nhận vài chục đơn mỗi ngày, mỗi đơn ít nhất là 10 quả, nhiều cả trăm quả. Nhưng sau đó, bán ngưng lại không phải vì ít đơn mà vì hàng về chậm, không nhập về được. Chị phải tìm các mặt hàng đồ chơi khác để bán. 

Cắt giảm đủ bề, vẫn đốt tiền triệu sắm đồ chơi cho con mùa dịch - 3

Chị Ngân là giáo viên mầm non dạy ở trường tư, dù nghỉ dịch bị giảm lương nhưng chị vẫn sống khỏe, kiếm cả chục triệu đồng/tháng nhờ bán đồ chơi trẻ em trong mùa dịch. 

Tại khu vực chợ Thủ Đức, suốt mùa dịch lúc nào cũng vắng vẻ, nhiều cửa hàng đã đóng cửa theo quy định của thành phố, nhiều cửa hàng đóng vì quá ế ẩm... thì một số cửa hàng bán đồ chơi vẫn "bội thu". Nơi này người mua, người bán vẫn tấp nập, nhất là vào giờ chiều tối. 

Cắt giảm đủ bề, vẫn đốt tiền triệu sắm đồ chơi cho con mùa dịch - 4

Nhân viên tại một cửa hàng đồ chơi ở khu vực chợ Thủ Đức phụ huynh khách không ngơi tay 

 Tại một số cửa hàng, xe của khách dừng nối đuôi nhau, các nhân viên vẫn phục vụ, giới thiệu, đóng gói... không xuể. Có thời điểm, khách còn phải chờ đến lượt thanh toán tiền. Các quy định phòng dịch, cách nhau tối thiểu 2m lúc này không còn mấy ai để ý. 

Chị Lê Hồng Hoa, chở hai con ra mua đồ chơi tại quán A Mùi ở khu vực này cho biết, con chị ở nhà nhiều kêu buồn chán, lèo nhèo. Nghe con khóc là chị lại đau đầu, hẹn mua đồ chơi cho xong. Gia đình gần như ở trong nhà mùa dịch nhưng cứ vài ngày lại phải đeo khẩu trang ra ngoài đi mua đồ chơi. Nếu không con sẽ khóc lóc, ăn vạ... 

Cắt giảm đủ bề, vẫn đốt tiền triệu sắm đồ chơi cho con mùa dịch - 5

Khách mua đồ chơi cho con đứng chờ đến lượt thanh toán tiền 

 "Tiền đồ chơi tốn ngang tiền ăn. Đồ chơi trẻ em rất mắc, món bèo nhất cũng cả trăm nghìn, còn bình thường là vài trăm, có món cả triệu. Hai đứa nhà tôi đợt dịch rồi hết gần chục triệu tiền đồ chơi", người mẹ nói và cho biết, lâu lâu chị lại phải gom đồ chơi cũ đi tặng hoặc bỏ bớt đi. 

Tại nhiều cửa hàng đồ chơi, không ít sản phẩm khách muốn mua nhưng không có hàng. Phụ huynh chiều con, lại  lòng vòng đi tìm nhiều nơi. Bà chủ một cửa hàng đồ chơi ở đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức cho biết, hàng nhập về khó hơn ngày thường, nhu cầu phụ huynh mua đồ chơi cho con trong đợt nghỉ dịch lại tăng nên nhiều món cháy hàng. 

Hoài Nam