Ông Lê Văn Minh, chủ một vườn cây cảnh ở Sapa (Lào Cai), chia sẻ, lựu thường được chia làm 2 loại là lựu hạnh và lựu quả. Với lựu quả thì người ta thường chơi quả, lấy quả ăn với đặc điểm là hoa đơn, nhỏ, đường kính chỉ tầm 3-4cm, nhìn không đẹp nhưng quả lại khá to.
Trong khi, lựu hạnh là lựu chơi hoa với đặc điểm hoa màu đỏ khá to, đường kính bông hoa thường từ 8-9cm. Đặc điểm, lựu hạnh chỉ chơi hoa nên cành lựu hạnh thế võng rất đẹp.
Cây lựu hạnh trên 100 tuổi được khách trả tới 3,5 tỷ đồng
Đây là giống lựu cảnh chỉ chơi hoa với đặc điểm hoa kép, đường kính bông to
So với cây lựu quả thì lựu hạnh hiếm hơn rất nhiều. Bởi, lựu hạnh có đường kính gốc trên 10cm thường được thương lái Trung Quốc thu mua đem về nước. Theo đó, ở các vùng miền, nhà nào may mắn còn giữ lại những cây lựu hạnh vài chục năm tuổi với đường kính gốc khoảng 5-8cm. Tuy nhiên, số này cũng không còn nhiều.
Chỉ vào hai gốc lựu trong vườn của mình, ông Minh tiết lộ, cây lựu hạnh của ông có tuổi đời đã trên 100 năm, đường kính gốc lên tới 29cm. Còn cây lựu quả gốc khủng hơn nhiều vì đã trên 200 tuổi.
Gốc lựu quả hơn 200 năm tuổi được khách Hồng Kông trả giá 2,6 tỷ đồng
“Đây là cặp lựu cổ ít người có. Khách Hồng Kông và Trung Quốc cứ vài tháng lại sang hỏi mua một lần với giá lên tới 6,1 tỷ đồng nhưng tôi đều lắc đầu không bán”. Ông tiết lộ, không bán không phải vì họ trả giá thấp mà vì ông thích giữ lại, không phải vì tiền nhiều mà bán cho khách Trung Quốc hay khách nước ngoài.
Theo ông Minh, sau này có thể ông sẽ bán 2 cây lựu cổ cho khách chơi người Việt Nam, còn hiện giờ 2 cây lựu cổ này vẫn được trồng trong góc vườn, ông đang tìm mua chậu cảnh cổ để đánh cây đưa vào trồng trong chậu chơi.
Theo Bảo Phương
VietnamNet