Vay “nóng” với lãi suất 4 – 6% tháng, chỉ cần có chứng minh nhân dân, thế chấp bằng thẻ ATM, sổ bảo hiểm xã hội, tổng số tiền huy động lên tới gần 7 tỷ đồng, cho gần 300 công nhân vay. Đây là những gì đã diễn ra tại Khu công nghiệp Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Dù chưa hẳn là "tín dụng đen" theo kiểu băng nhóm giang hồ, nhưng hình thức cho vay trái quy định pháp luật như vậy có thể song hành với những biến tướng, hệ lụy phát sinh từ các hoạt động tín dụng tự phát.
Cuối tháng 9 vừa qua, Công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang nhóm đối tượng gồm Nguyễn Hoài Nam (34 tuổi), Nguyễn Hoài Như Hoàng (31 tuổi, em ruột Nam) và Nguyễn Văn Rim (30 tuổi, cùng ngụ huyện Xuân Lộc) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Người vay tiền của các đối tượng này là công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Xuân Lộc.
Nắm bắt được nhu cầu vay tiền “nóng” của công nhân, các đối tượng đã lấy tiền gia đình, cá nhân rồi cho vay với lãi suất thỏa thuận miệng từ 4 – 6%/tháng, quy đổi thành 48 – 72%/năm. Sau khi nhận tiền, người vay sẽ phải đưa thẻ ATM và mã PIN để đến tháng lương các đối tượng mang thẻ đi rút tiền. Trường hợp người vay trả đủ cả lãi và gốc thì sẽ nhận lại được thẻ ATM, nhưng nếu chỉ trả được lãi thì sẽ tiếp tục bị giữ thẻ và được nhận số tiền còn lại sau khi đã trừ phần lãi.
Nếu người nào vay số tiền lớn thì không chỉ bị giữ thẻ ATM, các đối tượng sẽ yêu cầu người vay đưa sổ bảo hiểm xã hội và viết sẵn giấy ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội phòng trường hợp người vay không thể trả nợ.
"Vay nóng" có thể khiến công nhân sập bẫy tín dụng bất hợp pháp.
Qua điều tra, công an xác định, các đối tượng đã cho 239 lượt người là công nhân trong Khu công nghiệp Xuân Lộc vay, tổng số tiền cho vay hơn 7,2 tỷ đồng. Người vay thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất lên đến 300 triệu đồng. Số tiền các đối tượng thu lợi mỗi tháng lên đến gần 350 triệu đồng.
Thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng Công an huyện Xuân Lộc cho biết, vụ việc dù chưa hẳn là hoạt động “tín dụng đen” theo kiểu băng nhóm giang hồ, đòi nợ thuê, có hành vi đe dọa, cưỡng đoạt tài sản…, nhưng hoạt động cho vay trái quy định pháp luật nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể biến tướng, để lại những hậu quả khôn lường.
“Đây chưa phải là một tổ chức tín dụng đen nhưng nếu không phát hiện đấu tranh ngăn chặn kịp thời thì có thể sẽ biến tướng. Trong trường hợp không có khả năng chi trả, các đối tượng sẽ buộc phải đến các gia đình công nhân yêu cầu trả nợ với nhiều hình thức, chẳng hạn như cầm cố kê biên tài sản thì dẫn đến tội cưỡng đoạt tài sản hoặc khủng bố về mặt tinh thần, đe dọa, đánh nhau, dẫn đến tội cố ý gây thương tích. Đây là một hệ lụy, hậu quả có lẽ không lường trước được”, Thượng tá Cao Xuân Hoa nói.
Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai), những giao dịch vay tiền trong công nhân là khá phổ biến. Thời gian vừa qua, Trung tâm đã nhiều lần tư vấn, hỗ trợ cho những công nhân gặp rắc rối liên quan đến việc vay tiền, tín dụng bất hợp pháp.
Luật sư Hà phân tích, bản chất việc cho vay theo thỏa thuận giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay là mối quan hệ dân sự, tuy nhiên, khi cả người vay và nhất là người cho vay không nắm rõ các quy định của pháp luật thì rất dễ làm trái, thậm chí có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
“Theo quy định pháp luật, mọi tranh chấp liên quan đến tài sản, hợp đồng tín dụng phải đưa ra tòa, trên cơ sở quyết định của tòa án, người lao động phải có nghĩa vụ thực hiện, chứ không phải người lao động phải chịu những sức ép, rồi sinh ra hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của mình”, Luật sư Vũ Ngọc Hà cho hay.
Vay một khoản tiền trong một thời điểm để giải quyết công việc hay để phục vụ một nhu cầu nào đó là chuyện phổ biến trong đời sống hàng ngày. Nhiều người lựa chọn hình thức “vay lãi nóng” bởi cách này nhanh, gọn, thủ tục không rườm rà lại nhận được tiền ngay. Còn đi vay ngân hàng thì không mấy dễ dàng.
Vậy công nhân có khả năng nào để tiếp cận tính dụng hợp pháp một cách dễ dàng? Liệu vay tiêu dùng có khó khăn như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ?
Ông Ngô Mạnh Chính, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhanh huyện Xuân Lộc cho hay, hiện nay việc vay tiền tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng không hề khó khăn, mà trái lại rất thuận lợi. Với đối tượng là công nhân có nhu cầu vay tiêu dùng thì hoàn toàn có thể đến các tổ chức tín dụng như ngân hàng thương mại, công ty tài chính làm thủ tục vay tiền.
Hồ sơ đi kèm thường là giấy tờ tùy thân và chứng minh thu nhập bằng bảng lương hoặc xác nhận bảo lãnh của doanh nghiệp hay tổ chức công đoàn nơi công nhân làm việc. Việc giải ngân cũng rất nhanh, chỉ 1 - 2 ngày, thậm chí giải ngân ngay trong ngày.
Tuy nhiên, ông Chính cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay là việc tuyên truyền cho công nhân hiểu rõ quy định pháp luật vẫn chưa thực sự tốt, khiến nhận thức của công nhân về vấn đề tiếp cận tín dụng còn nhiều hạn chế.
“Bây giờ, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng dư nợ. Nguồn vốn để cho vay theo hướng tiêu dùng rất nhiều, rất thuận lợi cho người có nhu cầu và có thu nhập hàng tháng. Chỉ cần làm đơn, có xác nhận của tổ chức công đoàn và cơ quan chi trả lương rồi ra ngân hàng ký hợp đồng và nhận tiền. Nhưng để nội dung đó đến được với người công nhân thì các cơ quan phải tổ chức những buổi tuyên truyền thì người dân mới hiểu được”, ông Ngô Mạnh Chính nói.
Vay tiền, cho vay tiền là nhu cầu chính đáng, nhưng sự thiếu thông tin, không nắm rõ quy định pháp luật khiến ranh giới giữa giao dịch dân sự thông thường và hành vi phạm pháp là khá mong manh. Nhất là ở một nơi có hàng triệu người lao động là công nhân làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp như Đồng Nai, thì “dịch vụ” cho vay như thế này ngày càng nở rộ và rồi biến tướng như đã đề cập – cho vay nhưng thế chấp bằng ATM hay sổ bảo hiểm xã hội.
Do đó, cần thêm những giải pháp từ cơ quan hữu trách và cả tổ chức công đoàn, làm sao để hỗ trợ công nhân có thể tiếp cận tín dụng hợp pháp một cách thuận lợi, dễ dàng, không đưa đến các hệ quả khôn lường từ tín dụng trái pháp luật, “tín dụng đen”./.
Theo: Xuân Lượng
VOV