Vươn lên thoát nghèo nhờ trồng sen
Theo ông Đinh Chín, hộ trồng sen đầu tiên ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, cách đây 20 năm, tận dụng diện tích ao nhỏ của gia đình và cải tạo thêm một số chân ruộng bỏ hoang, ông trồng thử nghiệm sen.
Người dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả, đất trũng sâu, hoang hóa sang trồng sen đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, ông chỉ nghĩ trồng sen để đất đai khỏi hoang hóa, phục vụ gia đình là chính. Tuy nhiên, qua thời gian, ông thấy cây sen phát triển tốt, thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, ra nhiều hoa, đài rất nhiều hạt và đều.
Nhận thấy tiềm năng giá trị kinh tế từ cây sen, 8 năm gần đây, ông Chín mở rộng diện tích trồng sen lên gần 1 ha.
Xã Duy Sơn hiện có 50 ha chuyên canh tác sen, trong đó 70% ở thôn Chánh Lộc.
"Nếu được mùa, mỗi hecta sen có thể thu về hơn 3 tấn hạt, giá bán sản phẩm hạt tươi thường dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi có thể thu lãi hơn 85 triệu đồng, gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Không chỉ vậy, tận dụng diện tích mặt nước trồng sen, tôi cũng kết hợp nuôi cá, ốc và mỗi năm thu nhập thêm gần 20 triệu đồng", ông Chín chia sẻ.
Sen được trồng ven triền núi cách xa khu dân cư, ít bị tác động bởi môi trường sinh hoạt của con người.
Nhận thấy tiềm năng, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả, hoặc khai thác đất hoang hóa, trũng thấp để trồng sen. Xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) hiện có 50 ha đất chuyên canh cây sen, trong đó thôn Chánh Lộc chiếm hơn 70% diện tích.
Gia đình bà Phạm Thị Mai (thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn) hiện canh tác 13 sào đất trồng sen. Từ khi chuyển sang trồng sen thì kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn, có của ăn của để, nuôi con học hành đến chốn.
Trồng sen lấy hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao
"Trước kia trồng lúa nhưng năng suất không cao vì đất trũng sâu, khó canh tác, thấy mọi người chuyển sang trồng sen cho kinh tế thì gia đình tôi cũng học hỏi. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình có thể thu về hơn 50 triệu đồng", bà Mai cho biết.
Ở những mảnh ruộng tốt, bà Mai vẫn dành để trồng lúa, còn đất ven núi đồi sẽ trồng sen. Theo bà, việc chăm sóc cây sen cũng không quá phức tạp hay tốn kém, lúc nông nhàn có thể tranh thủ làm việc khác.
Ông Nguyễn Quang Thủ - Chủ tịch UBND xã Duy Sơn - cho biết: "So với một số loại sen trên thị trường, hạt sen Trà Lý được các thương lái và người tiêu dùng đánh giá rất cao. Những năm qua, giá bán sản phẩm tương đối ổn định, người dân trồng sen ở xã Duy Sơn thu về không dưới 4,5 tỷ đồng mỗi vụ".
Chuyển đổi sang trồng sen, nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học.
Theo Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, từ khi chuyển đổi sang trồng sen đời sống kinh tế người dân cũng khấm khá hơn, nhiều người còn vươn lên làm giàu từ sen.
"Để hỗ trợ người dân, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao thương hiệu sen Trà Lý, đăng ký chỉ dẫn địa lý, liên kết sản xuất theo chuỗi và chú trọng khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thêm nhiều kênh phân phối để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến", ông Thủ cho hay.
Tiềm năng từ sen
Nhận thấy tiềm năng giá trị kinh tế từ cây sen, chính quyền xã Duy Sơn đã quyết định xây dựng sản phẩm OCOP từ sen và thành lập Tổ hợp tác sen Duy Sơn gồm 11 thành viên với vốn góp 50 triệu đồng/người.
Ngoài hiệu quả kinh tế từ hạt sen, những cánh đồng sen bát ngát trải dài cũng là điểm lý tưởng để check-in của du khách.
Với mong muốn mang thương hiệu đặc sản của quê hương đến với người tiêu dùng, Tổ hợp tác sen Duy Sơn đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ nâng cấp sản phẩm hạt sen.
Theo đó, sen được trồng trên ruộng dọc triền núi với nguồn nước không bị nhiễm hóa chất, không bị ao tù, xa khu dân cư nên không bị tác động bởi môi trường sinh hoạt của con người. Vì vậy, chất lượng hạt sen Trà Lý được kiểm định an toàn.
Đồng thời, quy trình sản xuất hạt sen khô được thực hiện rất chặt chẽ. Hạt sen được thu hoạch từ các cơ sở sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, được phân loại, loại bỏ hoàn toàn tạp chất, hạt lép, hạt không đảm bảo chất lượng.
Sau khi phân loại và kiểm tra đạt yêu cầu. hạt sen được chuyển sang công đoạn tách vỏ ngoài. Công đoạn này cần được thực hiện nhẹ nhàng để không làm hạt bị dập nát hay vỡ, rồi rửa sạch toàn bộ tạp chất, để ráo nước và đem sấy khô ở nhiệt độ 45-60⁰c trong vòng 18 giờ.
Hiện khách hàng ngày càng tin tưởng và gắn bó với hạt sen Trà Lý. Sản phẩm được tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh, tham gia các hội chợ hàng nông sản chất lượng và đang dần bước ra thị trường ngoài tỉnh.
Ông Trần Huy Tường - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Duy Xuyên nhìn nhận, sen là loại cây dễ trồng, hiệu quả mang lại cho người nông dân khá cao. Hiện tại, tổng diện tích sen trên địa bàn huyện ước khoảng 100ha, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Duy Phú và Duy Sơn.
"Nhằm mở rộng diện tích sen, thời gian qua một số địa phương đã tiến hành khảo sát những vùng lúa trũng thấp để quy hoạch xây dựng chuỗi giá trị sen. Khi người dân đăng ký theo chuỗi giá trị liên kết sản phẩm sẽ được nhà nước hỗ trợ theo quyết định của tỉnh Quảng Nam về giống, vật tư, chăm bón theo tỷ lệ. Đồng thời đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nên người dân rất yên tâm", ông Tường cho hay.
Ngoài giá trị về hạt, tim sen… những cánh đồng bát ngát trồng sen ven triền núi tại cánh đồng Trà Lý, Đồng Lớn còn là nơi thu hút du lịch, được đông đảo du khách ghé thăm mỗi mùa sen về.
Công Bính - Ngô Linh