Thị trường máy tính sôi động
Anh Nguyễn Văn Chiến (ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, anh có 2 người con, một cháu năm nay lên lớp 2, cháu lớn học lớp 7. Do cả hai đều phải học online cùng buổi sáng nên anh bắt buộc phải tìm mua laptop cũ giá rẻ cho con.
Tuy nhiên, anh liên hệ nhiều nơi mà không mua được máy theo ý mình. "Trước đây giá dòng máy cũ như Dell, HP... chỉ khoảng 5 triệu đồng nhưng nay mức giá phổ biến đã lên ngưỡng 7-8 triệu đồng cũng không có mà mua" - anh Chiến nói.
Theo anh Chiến, vì không mua được máy cũ nên anh cũng có liên hệ một số cửa hàng máy tính để mua máy mới nhưng dòng dưới 10 triệu đồng rất hiếm, họ đều bảo hết hàng. Cơ bản còn những dòng máy có giá 17-21 triệu đồng. Nếu mua 2 máy thì gia đình anh không đủ sức.
Cuối cùng, vợ chồng anh quyết định lên mạng đăng tin kêu gọi ai có máy cũ thì để lại giúp mình và đã nhận được liên hệ của một người quen, họ để lại cho anh cái máy đã sử dụng khoảng 6 năm nay với giá 5 triệu đồng.
Khi khai giảng bắt đầu, nhiều gia đình ở Hà Nội vội vã sắm máy tính để bàn, laptop để cho con học online.
Tại nhiều hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử tại Hà Nội cũng ghi nhận, các sản phẩm như laptop, tablet, tai nghe, bán rất chạy thời gian qua, thậm chí cháy hàng, không có nguồn để lấy.
Một nhân viên tư vấn của Thế giới Di động cho biết, nhiều mẫu máy dưới 15 triệu đồng đã hết hàng khi lượng khách mua nhiều thời gian gần đây. Những dòng máy như Dell, Lenovo, HP hay tablet được hỏi mua nhiều. Những dòng máy cao có mức giá ngưỡng 20 triệu đồng cũng bắt đầu khan hàng.
Trong khi, nhiều thành phố đang thực hiện giãn cách nên không thể nhập hàng, cũng không biết bao giờ hàng về nên không hứa trước với khách hàng thời gian có thể nhận máy.
Phía FPT Shop cũng chia sẻ, tổng số lượng máy tính xách tay bán ra tăng 30% so với tháng trước và tăng gần 100% so với năm 2020. Theo đơn vị này, trong đợt giãn cách lần này, nhu cầu làm việc tại nhà trùng với thời điểm chuẩn bị năm học mới và học online nên nhu cầu tăng cao hơn.
Phân khúc giá dưới 12 triệu đồng là chủ trương kinh doanh của họ, với đa dạng sản phẩm vì phù hợp cho đối tượng học sinh, sinh viên.
Nở rộ kiểu bán hàng không tiếp xúc
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người dân hạn chế ra khỏi nhà, do đó, các hình thức mua sắm cũng dần dịch chuyển để phù hợp với tình hình. Ở Hà Nội, nhiều người chọn hình thức mua sắm online ngay trên các nhóm chợ nội bộ khu chung cư.
Nhóm chợ nội bộ này được hình thành từ chính những người dân sống ngay tại chính chung cư. Sản phẩm hàng hóa có thể là được kinh doanh chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư kiểu đồ ở nhà, ở quê gửi lên. Hình thức bán hàng là treo đồ ở tay nắm cửa và chuyển khoản để hạn chế các tiếp xúc gần.
Hàng hóa được treo ở tay nắm cửa chung cư, tránh tiếp xúc (Ảnh: Hoàng Dung).
Chị Phương - một thành viên của nhóm chợ nội bộ cư dân tại chung cư thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội) - kể, mỗi ngày chị bán được cả trăm đơn từ rau củ quả đến hải sản, thịt cá cho các hàng xóm cùng khu.
"Thời điểm giãn cách, mọi người hạn chế đi ra ngoài. Việc đặt online sau đó đồ ship đến tận cửa thuận lợi hơn rất nhiều cho các cư dân. Chúng tôi cũng thống nhất không tiếp xúc gần mà chỉ bấm chuông rồi treo ở cửa, thanh toán bằng chuyển khoản" - chị Phương chia sẻ.
Hay mới đây, trên phố Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), chuỗi gian hàng không người bán chính thức đi vào hoạt động. Người dân khi đến đây sẽ tùy chọn sản phẩm cần mua và tự động bỏ tiền vào hộp. Nếu người mua khi đến lấy đồ không có tiền mặt có thể được nợ và đến trả sau.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Hoàng Kiệt, quản lý gian hàng cho biết: "Cửa hàng chủ yếu giúp người dân thuận tiện trong việc mua hàng và đảm bảo khoảng cách trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Người dân đến mua hàng thoải mái lựa chọn sản phẩm mà mình cần và tất cả các sản phẩm đều đồng giá 10.000 đồng. Sau đó, khách hàng tự bỏ tiền vào hòm tùy vào sự trung thực, tự giác của mọi người".
Người nuôi trồng thủy sản gặp khó
Nhiều tháng qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hóa (59 tuổi, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên". Hơn 1 ha nuôi hàu và tôm của gia đình đến kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất bán ra thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Hóa, tình trạng này kéo dài từ đầu năm đến nay và dần trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 6 vừa qua. "Như năm ngoái còn có thể xuất được hàng đi, sang đến năm nay thì gần như dậm chân tại chỗ. Do nhà hàng quán ăn đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh nên không có thương lái về thu mua hàng" - ông Hóa nói.
Gia đình ông Hóa nuôi 1.000 xâu hàu giống và 2 ao tôm. Số tôm và hàu này đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có khách đến mua. Thậm chí, có thời điểm giá bán xuống bằng 1/4 so với mọi năm nhưng vẫn không có khách.
Hơn 1.000 xâu hàu giống của gia đình ông Hóa sắp đến kỳ thu hoạch vẫn không có khách đến mua do ảnh hưởng dịch Covid-19 (Ảnh: Thanh Tùng).
Cùng chung cảnh ngộ như ông Hóa, gia đình anh Trần Văn Khánh (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) là một trong số những hộ có diện tích nuôi tôm và ngao lớn nhất nhì tại địa phương. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại gia đình anh vẫn đang "dở khóc dở cười" trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Tôm mất giá, lại không có người mua, có bám trụ thì càng thua lỗ, không đủ tiền để trả lương lao động và các chi phí phát sinh khác. Vừa qua gia đình tôi chỉ để lại một nửa diện tích ao, đầm để nuôi" - anh Khánh cho hay.
Theo ông Lê Thanh Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tình trạng nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn diễn ra đã nhiều tháng qua, tuy nhiên do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên người dân chưa thể tìm được lối thoát.
"Toàn xã có khoảng 10 ha nuôi tôm, năm nay hầu hết các hộ nuôi đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình trên, trước mắt chính quyền địa phương động viên bà con cố gắng tìm hướng khắc phục, tạo điều kiện hết mức để bà con vượt qua khó khăn trong thời điểm này" - ông Cảnh cho hay.
Đào vàng dẹt rớt giá thê thảm
Chị Thanh Minh ở Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội chuyên bán hoa quả nhập khẩu. Những ngày này, ngoài các loại đào tiên đỏ, chị còn nhập đào dẹt màu vàng về bán. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, loại đào dành cho giới nhà giàu này khó xuất khẩu đi các nước nên giá rớt một nửa.
Loại đào dẹt màu vàng là giống của Nga, nhưng được trồng nhiều ở Hà Bắc, Trung Quốc. Quả đào to khoảng 2-2,5 lạng/quả, tương đương 4-5 quả/kg. Khi mới có tại Việt Nam, đào dẹt vàng có giá bán lên đến nửa triệu đồng/kg.
"Nhưng khoảng 2 năm lại đây, do nhập về nhiều, giá đào giảm xuống còn 200.000 đồng/kg. Riêng năm nay, thị trường xuất khẩu khó khăn nên rất ít tiểu thương bán. Giá đào dẹt vàng hạ nhiệt hẳn, chỉ bằng một nửa năm ngoái. Mình đang bán 89.000 đồng/kg" - chị Minh cho biết.
Theo chị, những năm trước, các gia đình có điều kiện hay mua đào dẹt vàng để ăn hoặc biếu, tặng người thân vì sang trọng, nhìn rất đẹp mắt. Khách thường mua một thùng khoảng 2,5 kg với giá khoảng 500.000 đồng. Năm nay, loại đào này đã xuống giá, chỉ 200.000 đồng/thùng 2,5 kg.
Tiểu thương này tiết lộ, trên thị trường có hai loại đào dẹt là đào dẹt Trung Quốc và đào dẹt Mỹ. Về hình dáng, chúng đều dẹt như chiếc bánh rán. Nhưng màu sắc bên ngoài và bên trong, hương vị trái đào thì khác nhau.
An Chi
Tổng hợp