Ghi nhận của chúng tôi cho thấy gần đây dọc nhiều đường phố ở trung tâm TP Nha Trang, nhiều khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh, cửa hiệu treo bảng thông báo chấp nhận thanh toán qua mạng di động bằng mã phản hồi nhanh thông qua các ứng dụng như Alipay, WeChat Pay. Những bảng thông báo này ghi chủ yếu bằng hai tiếng Việt và Hoa.
Mở dịch vụ riêng cho khách Trung Quốc
Nhân viên của một cửa hàng lớn chuyên bán các sản phẩm từ trầm hương trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vừa đưa đoàn khách Trung Quốc (TQ) vào bên trong vừa giới thiệu dịch vụ thanh toán bằng WeChat Pay. Nhân viên này tiết lộ gần đây rất nhiều cơ sở kinh doanh ở Nha Trang mở dịch vụ thanh toán di động riêng cho khách TQ. Theo nhân viên này, lý do là lượng khách TQ đến Nha Trang ngày càng nhiều và phần lớn đều có nhu cầu thanh toán qua mạng di động.
Dọc đường từ TP Nha Trang vào sân bay Cam Ranh, nhất là đoạn qua xã Phước Đồng cũng có rất nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng lớn chuyên phục vụ người TQ. Hầu hết các cơ sở này đều có dịch vụ thanh toán qua mạng di động. Đặc điểm chung của các cơ sở kinh doanh này là cổng có hai hàng rào. Trong đó có một hàng rào di động luôn có bảo vệ canh gác, bên trong có khoảng sân rộng dùng làm bãi đỗ xe. Khu bán hàng không có cửa kính, xây bịt bùng, chỉ có một lối ra vào…
Ngày 24-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, xác nhận tại TP Nha Trang hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh dành cho khách TQ có dịch vụ thanh toán qua mạng di động trái phép. Dịch vụ chui này ngày càng nở rộ, nhất là từ khi xuất hiện tour du lịch 0 đồng của các đoàn khách lữ hành TQ.
Khách Trung Quốc thanh toán qua máy POS tại một cửa hàng ở TP Nha Trang. Ảnh: TL
Đối phó rất tinh vi
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, mới đây cơ quan này đã chủ trì lập đoàn kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh với sự tham gia của công an tỉnh, chi cục quản lý thị trường… nhưng không bắt được quả tang việc thanh toán qua mạng di động trái phép. Lý do là các cơ sở có hoạt động thanh toán trái phép trên đối phó rất tinh vi.
Ví dụ khi xe chở đoàn khách TQ vào, bảo vệ thấy đúng biển số đã đăng ký thì cho vào. Đối với người Việt Nam hay xe không đúng biển số, họ không cho vào, yêu cầu xuất trình giấy tờ. Khi thấy có người lạ, bảo vệ lập tức bấm nút báo động vào bên trong. Khi đó, bên trong nhanh chóng dọn dẹp đâu ra đó hết. Họ cất giấu hết các thiết bị thanh toán di động. Khi đoàn kiểm tra hay các lực lượng chức năng vào thì không còn gì hết.
“Những cơ sở này hoạt động như kiểu các quán “cơm tù” trước đây. Ngay sau khi xe vào thì họ kéo hàng rào đóng lại ngay. Hết giờ mới được ra” - ông Thảo nói.
Bất thường
Có một vấn đề bất thường khác là chỉ cần nghe Tỉnh ủy, UBND tỉnh họp bàn, triển khai việc kiểm tra, lập tức các khu phố có nhiều người nước ngoài trở nên im ắng ngay; các hoạt động giao dịch, thanh toán ngoại tệ trái phép đều biến mất. Sau đó, các cơ sở này theo dõi tình hình rồi mới hoạt động trở lại.
Ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa
Ông Thảo cho rằng nguyên nhân thứ hai khiến các lực lượng chức năng chưa bắt được trường hợp nào là máy POS (Point of Sale - tạm dịch là máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng) không dây của TQ rất nhỏ, gọn. Chỉ cần nghe bên ngoài báo động vào là những người bên trong lập tức cất giấu hết các máy này.
Một lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa khẳng định từ trước đến nay cơ quan này chưa bao giờ cho tiếp nhận hay làm thủ tục cho nhập khẩu các loại máy POS của TQ. “Họ tháo rời các máy POS của TQ ra để nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, nhìn vào sẽ không biết đó là máy POS. Sau khi vào Việt Nam, họ mới lắp ráp lại, nhỏ gọn như chiếc điện thoại di động rồi sử dụng thanh toán di động” - ông Đỗ Trọng Thảo chia sẻ.
Tiền cứ chảy về Trung Quốc
Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, tình trạng thanh toán qua mạng di động đã và đang gây thất thu thuế rất lớn đối với Nhà nước. Còn theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, hình thức này khiến cơ quan chức năng không kiểm soát được hàng hóa, giá bán của các cơ sở kinh doanh chuyên phục vụ người TQ.
Lý do là phần lớn chủ các cơ sở kinh doanh này có tài khoản ở TQ nên dù khách mua sắm, sử dụng dịch vụ ở Nha Trang nhưng tiền vẫn chảy vào ở TQ. Do đó, trên thực tế Việt Nam không thu lợi được gì từ việc mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách TQ.
“NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh, NHNN Việt Nam có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng thanh toán qua mạng di động trái phép. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục có biện pháp xử lý tình trạng này” - lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho hay.
Chủ yếu thanh toán bằng tiền Trung Quốc
Bà Trần Ngọc A., từng làm quản lý cho một nhà hàng chuyên phục vụ khách TQ ở Nha Trang, phản ánh với PV: Phần lớn các cơ sở kinh doanh chuyên phục vụ khách TQ ở Nha Trang chỉ thu 5%-10% doanh thu bằng tiền Việt Nam, trong đó 7% tiền mặt, 3% thu qua máy cà thẻ Visa của các ngân hàng Việt Nam. 90% doanh thu còn lại, các cửa hàng này thu bằng nhân dân tệ thông qua hình thức cà thẻ máy không dây của ngân hàng TQ.
“Với kiểu thu này, hầu hết tiền sẽ chạy thẳng về TQ mà không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam” - bà A. nói.
Một cơ sở kinh doanh ở TP Nha Trang treo bảng thông báo công khai thanh toán bằng hình thức WeChat Pay. Ảnh: TL
Đề nghị khẩn cấp ngăn thanh toán chui
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn khẩn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là NHNN có các giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua POS, qua mã phản hồi nhanh (QR code), qua ví điện tử như Alipay, WeChat Pay... một cách hiệu quả. Qua đó để kịp thời xử lý đối với các trường hợp vi phạm, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 25 doanh nghiệp chuyên đón khách TQ. Trong đó, một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, thanh toán chui qua POS, thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh dưới hình thức sử dụng điện thoại (smartphone).
Theo Tấn Lộc
Pháp luật TPHCM